[In trang]
Khuyến khích tiêu dùng bền vững trong cộng đồng
Thứ tư, 20/11/2024
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, việc chuyển hướng sang tiêu dùng bền vững không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với mọi cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên gia tăng, việc chuyển hướng sang tiêu dùng bền vững không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với mọi cá nhân, cộng đồng và xã hội. 
Tiêu dùng bền vững là hành động lựa chọn sản phẩm và dịch vụ với mức tác động thấp nhất đối với môi trường và xã hội, từ khâu sản xuất, tiêu thụ cho đến khi sản phẩm đó được thải bỏ. Các hoạt động tiêu dùng bền vững bao gồm việc giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm tái chế hoặc tái sử dụng, chọn lựa sản phẩm có chứng nhận bảo vệ môi trường. Việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, xã hội cho đến sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, tiêu dùng xanh đang trở thành một xu hướng không thể thiếu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Để xây dựng uy tín và khẳng định vị thế trên thị trường, "xanh hóa" đã trở thành chiến lược quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Nhiều công ty đã chuyển hướng đầu tư vào sản xuất những sản phẩm có đặc tính "xanh" và "sạch", với xu hướng phát triển thương hiệu xanh ngày càng trở nên phổ biến, như một công cụ cạnh tranh và gắn liền với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tiêu dùng bền vững đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong cộng đồng (Ảnh: VnEconomy)
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng xanh như: giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon thay vào đó là túi giấy hoặc túi tái sử dụng. Các siêu thị lớn tại Việt Nam cũng khuyến khích người dân tái sử dụng túi, tích điểm cho khách hàng không dùng túi nilon, hoặc sử dụng lá chuối để gói thực phẩm thay vì túi nhựa, và thay đổi bao bì sản phẩm sang các loại thân thiện với môi trường.
Trong ngành F&B, nhiều cửa hàng cà phê và trà sữa đã chuyển sang sử dụng ống hút giấy, ống hút tre thay vì ống hút nhựa, hay sử dụng cốc giấy thay cho cốc nhựa dùng một lần, túi giấy thay cho túi nilon. Xu hướng này cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, như ống hút làm từ tre hoặc giấy.
Bên cạnh đó, một số mô hình tiêu dùng bền vững đã được triển khai và đạt được thành công trong cộng đồng, mang lại những kết quả tích cực. Điển hình như mô hình chợ xanh (Green Markets) tại một số thành phố lớn. Các chợ phiên bán thực phẩm hữu cơ và sản phẩm tái chế đã thu hút sự tham gia đông đảo của người tiêu dùng. Những sản phẩm này không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn giúp bảo vệ môi trường do hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại.
Hay như phong trào “Zero Waste” (Không rác thải) tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM. Phong trào này bắt đầu phát triển mạnh mẽ với những người tham gia chủ yếu là các nhóm cộng đồng và cá nhân ý thức cao về việc giảm thiểu chất thải nhựa. Các cửa hàng “Zero Waste” đã ra đời, khuyến khích người tiêu dùng mang theo hộp đựng cá nhân thay vì sử dụng bao bì nhựa.
Sử dụng lá chuối thay thế cho túi nilong tại một số siêu thị (Ảnh: MOIT)
Ngoài ra, nhiều nhóm cộng đồng đã bắt đầu triển khai các sáng kiến về việc chia sẻ tài nguyên thay vì sở hữu riêng, như chương trình chia sẻ ô tô (car-sharing), chia sẻ đồ dùng gia đình, hay trao đổi sách, đồ chơi cho trẻ em. Những sáng kiến này không chỉ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng mà còn giảm bớt lượng đồ vật dư thừa.
Giải quyết các khó khăn, thách thức
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong quá trình khuyến khích thực hành vẫn gặp phải không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn là thói quen tiêu dùng lãng phí đã ăn sâu trong văn hóa tiêu dùng hiện đại. Sự thuận tiện và giá thành rẻ của những sản phẩm tiêu dùng không thân thiện với môi trường đôi khi khiến người tiêu dùng khó lòng thay đổi thói quen. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt thông tin về các sản phẩm bền vững, cũng như sự thiếu quan tâm từ một số doanh nghiệp và nhà sản xuất, cũng là một rào cản lớn.
Thu nhập cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng xanh của người dân. Hiện nay, mức thu nhập của người dân Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình, trong khi giá thành của các sản phẩm và dịch vụ xanh thường cao hơn từ 20% đến 40% so với các sản phẩm cùng loại. Điều này tạo ra một rào cản lớn, khiến nhiều người khó có thể tiếp cận với các lựa chọn tiêu dùng bền vững.
Về phía các doanh nghiệp, việc cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và chiến lược phát triển xanh là một thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Chi phí đầu tư để chuyển đổi sang công nghệ xanh là rất lớn, trong khi năng lực và trình độ quản lý của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng và sẵn sàng đầu tư vào việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang phương thức thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm dùng một lần thân thiện với môi trường (Ảnh: VOV)
Do đó, để khuyến khích tiêu dùng bền vững trong cộng đồng, Chính phủ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc tạo dựng các chính sách và khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững. Các biện pháp như giảm thuế cho các sản phẩm xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp xanh, khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch, hoặc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt đối với sản phẩm tiêu dùng đều là những giải pháp hiệu quả. Các chương trình chứng nhận sản phẩm xanh như "sản phẩm hữu cơ", "sản phẩm tái chế" hoặc "sản phẩm thân thiện với môi trường" cũng có thể khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào xu hướng này.
Việc áp dụng chính sách thưởng cho người tiêu dùng khi họ sử dụng sản phẩm tái sử dụng hoặc tham gia vào các chương trình thu gom, tái chế rác thải sẽ tạo động lực lớn cho người tiêu dùng tham gia. Ví dụ, các siêu thị có thể tích điểm thưởng cho khách hàng không sử dụng túi nilon, hoặc hỗ trợ chi phí cho khách hàng khi mang theo bao bì tái sử dụng. Các chương trình đổi rác lấy quà hoặc giảm giá cho các sản phẩm tái chế cũng là một cách khuyến khích người tiêu dùng tham gia tích cực vào việc giảm thiểu chất thải.
Các mô hình cộng đồng tiêu dùng bền vững đã chứng tỏ hiệu quả trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy việc hình thành các nhóm cộng đồng hoặc các mạng lưới chia sẻ tài nguyên như trao đổi đồ cũ, nhóm tiêu dùng sản phẩm hữu cơ hoặc tổ chức các chợ phiên thực phẩm sạch cũng là những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Những mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí mà còn tạo cơ hội để mọi người học hỏi, chia sẻ và lan tỏa những thói quen tiêu dùng bền vững.
Tiêu dùng bền vững là chìa khóa để giải quyết những thách thức môi trường hiện nay và xây dựng một xã hội phát triển bền vững trong tương lai. Để đạt được điều này, cần có sự chung tay của tất cả các bên: chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các giải pháp như nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển cơ sở hạ tầng tiêu dùng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, tạo động lực cho người tiêu dùng và phát triển các mô hình cộng đồng tiêu dùng bền vững là những bước đi quan trọng để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh. 
Minh Khuê