[In trang]
Sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất: Giải pháp để phát triển bền vững
Thứ tư, 13/06/2018
Chú trọng vào nghiên cứu và nhân rộng mô hình năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng cho quá trình phát triển bền vững cho bất cứ tổ chức nào.

Chú trọng vào nghiên cứu và nhân rộng mô hình năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng cho quá trình phát triển bền vững cho bất cứ tổ chức nào.

Năng lượng tái tạo là gì?
 
Theo Viện Năng lượng Việt Nam, năng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế bao gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt. 
 
Năng lượng tái tạo giữ vai trò quan trọng trong cán cân năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây cũng là nguồn cung ứng lâu dài cho hoạt động của con người. So với năng lượng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo ít rủi ro hơn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu và góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng. Vì thế các nước phát triển đang chuyển dịch mạnh mẽ sang giai pháp này.
 
Để phát triển năng lượng tái tạo, nhiều nước đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng. EU đặt mục tiêu đến 2020 thì năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng nhu cầu năng lượng. Con số này tại Anh và Trung Quốc là 15, còn Thụy Điển là  49%. Thậm chí New Zeland mong muốn sử dụng 90% năng lượng tái tạo vào 2025.
 
Áp dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất
 
Sử dụng năng lượng tái tạo từ nhiên liệu sinh học thay cho nhiên liệu hóa thạch là giải pháp được các doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững áp dụng. Đơn cử như Tập đoàn Ajinomoto, đơn vi chủ động áp dụng mô hình năng lượng sinh học cho nhiều nhà máy của mình trên khắp thế giới.
 
Tại Ayutthaya Thái Lan, nhà máy Ajinomoto không dùng than để đốt lò, mà sử dụng lò hơi sinh học với nguồn nhiệt từ vỏ trấu. Nhờ vậy, nhà máy giảm thiểu gần 59.000 tấn khí thải CO2 hàng năm, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn khi không phải mua điện từ bên ngoài.
 
Nhằm đảm bảo việc triển khai hệ thống năng lượng sinh học diễn ra đúng chuẩn, công ty Ajinomoto Thái Lan kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn sản xuất nhiên liệu của công ty, từ khâu thu mua vỏ trấu cho đến tân dụng hiệu quả lượng tro trấu thu được sau khi đốt.
 
Tương tự, công ty Ajinomoto ở Brazil cũng sử dụng lò hơi sinh học chạy bằng nhiên liệu từ vỏ trấu và giảm lượng phát thải CO2 đến 41%, đưa xuống mức xấp xỉ 0. Các lò hơi sinh học đáp ứng trên 80% nhu cầu của sản xuất công nghiệp với chi phí thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch.
 
Cho đến nay, lò hơi sinh học đã được đưa vào sử dụng tại 10 nhà máy trong số các nhà máy của Ajinomoto trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dự tính đến năm 2030, tập đoàn đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức 50% trong toàn bộ các hoạt động vận hành, bao gồm 108 nhà máy.
 
Ajinomoto là một nhà sản xuất toàn cầu cung cấp gia vị, thực phẩm chế biến, đồ uống, axit amin, dược phẩm và hóa chất chuyên dụng chất lượng cao. Trong suốt nhiều thập kỷ, đơn vị này đã đóng góp cho việc phát triển thực phẩm và sức khỏe con người thong qua việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ axit amin. Được thành lập từ năm 1909, đến nay Ajinomoto có mạng lưới vận hành ở 35 quốc gia và khu vực.
 
Nguồn: vietnamnet.vn