[In trang]
Khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt Nam
Thứ hai, 28/05/2018
Ngày khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã trở thành ngày hội tôn vinh những người làm khoa học và là dịp để nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam. Nhân dịp này, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Ngày khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã trở thành ngày hội tôn vinh những người làm khoa học và là dịp để nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam. Nhân dịp này, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Ngày KH&CN Việt Nam đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Xin ông cho biết, việc tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam có tác động như thế nào đến sự phát triển của KH&CN nước ta?
 
Ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam đã được quy định tại Điều 7, Luật KH&CN, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp KH&CN nói chung; tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa với cộng đồng giới trí thức KH&CN Việt Nam.
 
Với tư cách là một cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý KH&CN, tôi vui mừng, hãnh diện và tự hào khi chúng tôi có một ngày hội riêng về KH&CN. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong công việc để góp phần đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và mỗi năm, đến Ngày KH&CN Việt Nam, chúng tôi sẽ có nhiều điều để nói về KH&CN, về những cống hiến của những người làm KH&CN cho sự phát triển chung của đất nước.
 
Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của các nhà khoa học, nhà quản lý, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của tầng lớp nhân dân trong việc thực thi Luật KH&CN, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, hoạt động KH&CN trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi bứt phá, thực sự là động lực quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Hiện nay, các bộ, ngành đều có những hoạt động sôi nổi kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam. Bộ Công Thương đã có những hoạt động gì hưởng ứng, thưa ông?
 
Bộ Công Thương đã tổ chức các hoạt động để tuyên truyền, cổ vũ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ngành. Cụ thể, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, công ty, viện nghiên cứu, các trường thuộc Bộ triển khai hoạt động hưởng ứng theo hướng dẫn của Bộ KH&CN về Ngày KH&CN Việt Nam năm nay với Chủ đề “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty đã có những hoạt động tích cực hưởng ứng Ngày KH&CN như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật…
 
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các tổ chức cơ quan thông tin tuyên truyền của Bộ như Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương xây dựng và phát hành các clip phóng sự trên truyền hình, phát hành chuyên san KH&CN và chuyên trang KH&CN trên các ấn phẩm của ngành chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam; treo băng rôn và biểu ngữ chào mừng Ngày KH&CN tại trụ sở của Bộ. Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử về KH&CN, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một số hội thảo khoa học.
 
Ngày KH&CN Việt Nam đã trở thành ngày hội tôn vinh những thành tựu của KH&CN Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về đóng góp của KH&CN ngành Công Thương trong bức tranh chung của nền KH&CN nước nhà?
 
Hoạt động KH&CN của ngành Công Thương đã chú trọng phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu KH&CN với lực lượng KH&CN của doanh nghiệp để giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại; đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo các thiết bị, sản phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Công Thương. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành; đồng thời đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC.
 
Ví dụ, công trình giàn khoan tự nâng 90m nước (Tam Đảo 3), công trình giàn khoan tự nâng 120m nước (Tam Đảo 5); máy biến áp 220kV-250 kVA, máy biến áp điện lực 3 pha 500kV-3x150 MVA; làm chủ thiết kế chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công như: Các loại van cung, van phẳng có kích thước lớn, độ phức tạp cao cung cấp cho các công trình xây dựng các nhà máy thủy điện trên cả nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La... Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược chính sách, các kết quả nghiên cứu đã góp phần làm rõ những luận cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá và phân tích tình hình thực tế để giúp cho việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể trong quản lý phát triển công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương): Những thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến sự phát triển của ngành Công Thương nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nước nhà nói chung.
 
Nguồn: Baocongthuong.com.vn