[In trang]
Tham gia chuỗi giá trị: giải pháp cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DNVVN
Thứ hai, 14/05/2018
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có nhưng chưa có những giải pháp cụ thể để các DN lớn thấy cơ hội và DN nhỏ có cơ hội.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có nhưng chưa có những giải pháp cụ thể để các DN lớn thấy cơ hội và DN nhỏ có cơ hội.

Đây là nhận định của đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội thảo “Tham gia chuỗi giá trị: Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” ngày 11/5, tại Hà Nội. Sự kiện là một trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai nội dung hỗ trợ cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
 
Việt Nam hiện có trên 600.000 DN đang hoạt động với 97% DNNVV (66% trong số đó là DN có quy mô siêu nhỏ). Tỉ lệ DN vừa có xu hướng giảm, tỉ lệ DN nhỏ tăng lên cho thấy các DN đang có xu hướng thu hẹp về quy mô hoạt động. Theo những nghiên cứu mới đây, đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng có xu hướng tăng lên trong khi khối DN Nhà nước giảm dần. So sánh với các quốc gia ASEAN, đều thấy một điểm chung là coi DNNVV là trụ cột, xương sống của nền kinh tế.
 
Thực tế, tăng cường liên kết theo chuỗi, các DN có thể cùng nhau đảm nhận một khâu hoặc nhiều khâu trong chuỗi, từ đó hoàn thành tốt công việc với năng lực lớn hơn, giúp khắc phục bất lợi về quy mô, phản ứng nhanh với thay đổi của thị trường, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
 
Với tầm quan trọng của việc thúc đẩy các DN liên kết theo chuỗi, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 đã dành riêng một điều (Điều 19) về hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị với các nội dung hỗ trợ gồm: Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm của DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
 
Tuy nhiên, theo Cục Phát triển DN, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào DN FDI với 71% giá trị xuất khẩu thuộc về khối DN này. Trong nước, đã hình thành một số chuỗi, cụm liên kết ngành nhưng vẫn do các DN nước ngoài dẫn dắt, mức độ tham gia của các DNNVV nội địa chưa sâu rộng và chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Một thực tế nữa là sự thiếu vắng của các DN trong ngành công nghiệp phụ trợ. Sự liên kết trong và ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế.
 
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tập trung vào tăng cường liên kết giữa các DN sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi trong một số ngành lựa chọn (sữa, nước giải khát, thực phẩm, điện thoại, ô tô và cơ khí chế tạo...). Với sự tham gia của các DNNVV chủ yếu trong các ngành hàng nêu trên; tạo cơ hội chia sẻ mô hình kinh doanh theo chuỗi từ các khâu cung cấp đầu vào, sản xuất, chế biến, hệ thống phân phối; xây dựng thương hiệu…
 
Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN nhận định, trong những năm qua nhiều chính sách của Đảng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ các rào cản, dọn đường để DN phát triển. “Số lượng DN ra đời 1 năm trên 100.000 là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên đằng sau con số đó thì bài toán chất lượng DN vẫn chưa có lời giải”.
 
“Sau 3 lần tổ chức các buổi kết nối với sự tham gia của 500 DN, chỉ có 2 DN FDI chọn được đối tác là các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị. Dường như, các DN FDI và DN nội đang đi trên 2 con đường song song, chưa tìm thấy điểm chung, chưa thể xây dựng mối quan hệ win-win, hai bên cùng thắng”, bà Thủy cho biết.
 
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, đại diện Cục Phát triển DN cho rằng do các DN nhỏ năng lực nội tại còn yếu, không đủ tiêu chuẩn trở thành thầu phụ của các công ty nước ngoài. Dễ hiểu khi nhiều DN FDI tham gia thị trường Việt Nam đã lâu nhưng vẫn phải sử dụng những sản phẩm phụ trợ với chi phí đắt đỏ từ chính quốc hoặc các quốc gia khác.
 
Theo bà Thủy: “Chính sách hỗ trợ đã có nhưng chưa có những giải pháp cụ thể để các DN lớn thấy cơ hội và DN nhỏ có cơ hội”.
 
Đối với Luật Hỗ trợ DNNVV, các nhóm chính sách hỗ trợ chung cơ bản sẽ đi ngay vào cuộc sống từ 1/1/2018. Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ thúc đẩy liên kết ngành các cơ quan quản lý sẽ cần nhiều thời gian phối kết hợp với các hiệp hội, ngân hàng, nhà tài trợ... để xây dựng chính sách cụ thể. Trong đó, làm rõ danh sách các DN được hỗ trợ, DN nào sẽ có vai trò dẫn dắt, nhiệm vụ, trách nhiệm, lợi ích của từng đối tượng... Dự kiến, trong năm 2019 sẽ có đề án cụ thể.
 
Tham dự Hội thảo, các DN lớn trong ngành sữa đã chia sẻ những kinh nghiệm và thành công trong thực tế về ứng dụng công nghệ, tuân thủ quy chuẩn trong ngành sữa; các chuyên gia từ Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam… chia sẻ về quy trình lựa chọn nhà cung cấp trong các ngành công nghiệp ô tô, điện tử… Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, được xem là chìa khóa tham gia các chuỗi giá trị trong một số ngành hàng.
 
Nguồn: baochinhphu.vn