[In trang]
Doanh nghiệp Việt cần nhận thức rõ hơn về thiết kế sản phẩm
Thứ sáu, 13/04/2018
Gian hàng "Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc” là một trong những hoạt động của Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm” do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện từ năm 2010. Đến nay, chương trình đã đào tạo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm của Việt Nam.

Gian hàng "Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc” là một trong những hoạt động của Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm” do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện từ năm 2010. Đến nay, chương trình đã đào tạo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm của Việt Nam.

“Gian hàng Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc” được thực hiện với sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP), Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của thiết kế trong việc phát triển sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm có chất lượng và mẫu mã thiết kế tốt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao dịch và tìm kiếm bạn hàng, đối tác trong và ngoài nước.
 
Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp Gian hàng thiết kế được thực hiện tại Hội chợ Vietnam Expo và luôn nhận được sự quan tâm và đăng ký tham gia của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Ban tổ chức đã lựa chọn ra các công ty tiêu biểu nhất tham gia gian hàng năm nay, là những doanh nghiệp có sản phẩm với thiết kế tốt, sản phẩm mới hoặc sản phẩm có tiềm năng trên thị trường.
 
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) về những thuận lợi, khó khăn cũng như tiềm năng của hoạt động phối hợp, xúc tiến thương mại này.
 
Xin ông cho biết lý do nào khiến các doanh nghiệp đăng ký tham gia “Gian hàng Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc”? Gian hàng có gì khác biệt so với các gian hàng của các công ty riêng lẻ?
 
Ông Vũ Bá Phú: Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hàn Quốc từ năm 2010 đến nay. Gian hàng thiết kế tại Hội chợ Vietnam Expo đã được hai bên phối hợp thực hiện từ năm 2014 và luôn là một điểm nhấn quan trọng của Hội chợ.
 
Đây là một khu gian hàng chung, trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tiêu biểu thuộc nhiều ngành hàng khác nhau của cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp tham gia gian hàng cũng được Ban tổ chức lựa chọn rất kỹ, đảm bảo tiêu chí sản phẩm mới, có thiết kế tốt hoặc có tiềm năng phát triển trên thị trường.
 
Điểm đặc biệt, gian hàng được thiết kế bởi các chuyên gia thiết kế gian hàng triển lãm hàng đầu của Hàn Quốc với không gian mở, phong cách hiện đại và bắt mắt, thu hút được lượng lớn khách đến tham quan, giao dịch tại gian hàng. Đồng thời, Gian hàng cũng luôn đảm bảo được các nguyên tắc về tối ưu hóa dòng khách tham quan và tạo ra những điểm nhấn thu hút sự chú ý từ bên ngoài.
 
Năm 2017, Gian hàng thiết kế đã thu hút hơn 2.500 lượt khách thăm quan, khoảng 650 giao dịch được thực hiện, các doanh nghiệp tham gia đã tìm kiếm được gần 60 bạn hàng, đối tác tiềm năng đến từ trong và ngoài nước và có khoảng 10 hợp đồng nguyên tắc được ký kết ngay sau Hội chợ.
 
Ngoài ra, ngay tại gian hàng, các chuyên gia thiết kế uy tín của Hàn Quốc và Việt Nam cũng sẽ thực hiện chương trình tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam về thiết kế và phát triển sản phẩm như: Thiết kế sản phẩm, thiết kế bao bì và xây dựng thương hiệu… Đây là hoạt động được đánh giá cao trong những năm vừa qua, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam làm việc trực tiếp với các chuyên gia thiết kế, từ đó có được những chia sẻ, góp ý về ý tưởng cải tiến, đổi mới thiết kế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng và phát triển kinh doanh.
 
Với Gian hàng năm nay, Cục đã tổ chức lựa chọn doanh nghiệp tham gia như thế nào và có điểm gì khác biệt so với những năm trước?
 
Ông Vũ Bá Phú: Việc lựa chọn doanh nghiệp phù hợp tham gia Gian hàng luôn là một vấn đề không đơn giản đối với Ban tổ chức. Chúng tôi vừa phải đảm bảo các sản phẩm tham gia Gian hàng phải là sản phẩm mới hoặc sản phẩm có thiết kế tốt và/ hoặc sản phẩm có tiềm năng phát triển trên thị trường. Đồng thời, Ban tổ chức cũng phải đảm bảo nguyên tắc thông qua việc tham gia Gian hàng này, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận thị trường và tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước.
 
Năm nay, về phía các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi lựa chọn các doanh nghiệp tiêu biểu đã được hỗ trợ về phát triển sản phẩm như xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm, thiết kế hệ thống các tài liệu quảng bá, marketing… gồm có Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh và Công ty CP SX & XK Quế Hồi Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp có sản phẩm đảm bảo quy chuẩn chất lượng, có uy tín trên thị trường, có nhiều tiềm năng phát triển thị trường và đã xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu.
 
Về phía Hàn Quốc, các doanh nghiệp tham gia Gian hàng năm nay là các công ty sẽ hoạt động tại Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc. Họ là những công ty thiết kế có uy tín và đã đưa ra thị trường Hàn Quốc nhiều sản phẩm sáng tạo và thành công. Họ sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020.
 
Chủ đề của Gian hàng năm nay là Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc. Xin ông cho biết rõ hơn về Trung tâm này? Trung tâm có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam?
 
Ông Vũ Bá Phú: Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc là kết quả hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại với Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP), nằm trong khuôn khổ của Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”.
 
Dự kiến Trung tâm sẽ được khai trương trong quý II năm 2018 tại địa chỉ 17 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tập trung vào các hoạt động đào tạo, kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm.
 
Trung tâm cũng sẽ tạo ra không gian làm việc sáng tạo cho các nhà thiết kế trong nước và quốc tế, có các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các trường chuyên ngành, đào tạo một lực lượng thiết kế trẻ, tài năng, nâng cao năng lực thiết kế và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Thiết kế là hoạt động vẫn còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thiết kế chưa có sự tập trung. Xin ông cho biết, Cục Xúc tiến thương mại có kế hoạch thực hiện các chương trình, hoạt động nào khác để hỗ trợ doanh nghiệp về mảng thiết kế?
 
Ông Vũ Bá Phú: Với sự phối hợp của các đối tác trong và ngoài nước, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm từ năm 2010. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được Cục thực hiện bao gồm hội thảo, hội nghị quốc tế, đào tạo, phổ biến kiến thức, tư vấn về thiết kế (như thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế cải tiến bao bì, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm...).
 
Chương trình đã giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng của thiết kế, phát triển sản phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời có định hướng đầu tư cần thiết và lâu dài cho hoạt động thiết kế. 
 
Năm 2017, ngoài việc kêu gọi sự hợp tác từ phía Hàn Quốc để thành lập Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc, Cục đã bắt đầu triển khai thực hiện chương trình thuê chuyên gia tư vấn thiết kế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ...
 
Chương trình đã hỗ trợ một số doanh nghiệp thủy sản, chè và quế hồi phát triển sản phẩm thông qua việc hỗ trợ thiết kế lại hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, hệ thống các tài liệu quảng bá, marketing của doanh nghiệp. Hoạt động này được doanh nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả và tính thực tiễn cao. Năm nay, Cục sẽ phối hợp với nhiều đối tác trong và ngoài nước để tiếp tục mở rộng Chương trình tới nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng và từ nhiều địa phương khác nhau.
 
Bên cạnh đó, thông qua Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam-Hàn Quốc, Cục XTTM cũng đang kêu gọi các nhà thiết kế chuyên nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam tham gia vào các hoạt động hỗ trợ thiết thực này cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn: baochinhphu.vn