[In trang]
Xác định tiềm năng cải tiến nội tại của doanh nghiệp
Thứ sáu, 23/11/2012
Tiềm năng cải tiến (hay tiềm năng tiết kiệm) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện Sản xuất sạch hơn (SXSH). Tiềm năng cải tiến là động lực thúc đẩy áp dụng SXSH đồng thời là cơ sở để doanh nghiệp lựa chọn và quyết định việc thực hiện các giải pháp SXSH phù hợp với thực tế và các yêu cầu cụ thể.

Tiềm năng cải tiến (hay tiềm năng tiết kiệm) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện Sản xuất sạch hơn (SXSH). Tiềm năng cải tiến là động lực thúc đẩy áp dụng SXSH đồng thời là cơ sở để doanh nghiệp lựa chọn và quyết định việc thực hiện các giải pháp SXSH phù hợp với thực tế và các yêu cầu cụ thể.

Thông thường, tiềm năng cải tiến của một yếu tố cụ thể (điện, nguyên liệu, nước, hóa chất…) được xác định thông qua việc so sánh mức tiêu thụ trung bình (tính toán dựa trên số liệu thống kê) của doanh nghiệp với công nghệ tốt nhất sẵn có (Best Available Technology – BAT), ví dụ, một nhà máy bia có mức tiêu thụ nước trung bình là 8,5 lít nước để sản xuất ra 1 lít bia trong khi mức tiêu thụ nước với công nghệ tốt nhất sẵn có trên thế giới là 4,5 lít nước cho 1 lít bia, như vậy tiềm năng tiết kiệm nước tại nhà máy này là 4 lít nước cho một lít bia sản xuất ra. Phương pháp này là hoàn toàn chính xác nhưng đôi khi không phù hợp trong một số trường hợp như doanh nghiệp vừa mới đổi mới công nghệ và thiết bị hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cho công nghệ và thiết bị mới. Nội dung bài viết này sẽ trình bày cách xác định tiềm năng cải tiến nội tại của doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào BAT.
Như chúng ta đã biết, suất tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và năng lượng của một cơ sở sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào các yếu tố:
1.    Công nghệ sản xuất;
2.    Đặc tính sản phẩm;
3.    Chất lượng nguyên liệu đầu vào;
4.    Năng lực quản lý (năng lực kiểm soát quá trình, trình độ và kỷ luật của nhân viên, sự ổn định của thiết bị...).

Trong các yếu tố nói trên, thì hai yếu tố đầu tiên thường tương đối ổn định còn hai yếu tố sau thường có sự độ biến động nhất định và là nguyên nhân chính gây ra sự thiếu ổn định trong sản xuất và đây chính là tiềm năng cải tiến nội tại của doanh nghiệp. Để minh họa cho nhận định này, chúng ta cùng phân tích biểu đồ dưới đây:
                             
   
Đường màu xanh trên biểu đồ thể hiện sự biến động của suất tiêu thụ nguyên liệu (tấn nguyên liệu/tấn sản phẩm) trong một tháng trong khi đường màu đỏ thể hiện giá trị suất tiêu thụ nguyên liệu trung bình. Đồ thị cũng chỉ ra điểm có mức tiêu thụ thấp nhất, tương ứng với điều kiện vận hành tốt nhất trong tháng khảo sát, đạt được thông qua sự kết hợp của các yếu tố:

•    Chất lượng nguyên liệu đầu vào tốt nhất
•    Tình trạng kiểm soát quá trình tốt nhất (kiểm soát công nghệ, tổ chức sản xuất)
•    Tính kỷ luật của nhân viên cao nhất
•    Tình trạng thiết bị tốt nhất
•    Tình trạng quản lý nội vi tốt nhất
Việc phân tích số liệu và diễn biến trên đồ thị cho thấy tiềm năng cải tiến nội tại của doanh nghiệp chính là mức chênh lệch giữa suất tiêu thụ trung bình hiện tại (đường màu đỏ) và điểm có có mức tiêu thụ thấp nhất. Thậm chí tiềm năng này còn có thể lớn hơn nữa vì dữ liệu khảo sát chỉ mới thể hiện diễn biến trong một tháng sản xuất và hầu như không có giới hạn trong việc nâng cao năng lực quản lý.
Để xác định được tiềm năng cải tiến nội tại, doanh nghiệp cần thực hiện:
Thu thập số liệu sản xuất liên quan đến các đầu vào (năng lượng, nước, nguyên liệu, phụ liệu...) và đầu ra (sản phẩm, phế phẩm, thất thoát...). Nên lấy số liệu ngày cho một tháng sản xuất liên tục, chuỗi số liệu càng dài càng dài thì độ tin cậy càng cao;
  1. Sử dụng Excel để phân tích và xây dựng biểu đồ thể hiện sự tương quan của các yếu tố đầu vào – đầu ra (tùy theo đặc điểm và mối quan tâm của doanh nghiệp);
  2. Xác định suất (mức) tiêu thụ trung bình hoặc thất thoát trung bình;
  3. Xác định các điểm cực tiểu hoặc cực đại cũng như xu hướng biến thiên của yếu tố đang xem xét, từ đó xác định tiềm năng cải tiến nội tại đối với yếu tố đó.
Việc xác định tiềm năng cải tiến nội tại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn các giải pháp SXSH có thể áp dụng cũng như quyết định phương châm thực hiện SXSH: đầu tư cho công nghệ/thiết bị hay tăng cường năng lực quản lý. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, do mặt bằng chung về năng lực quản lý còn hạn chế, cộng thêm khó khăn trong việc huy động các nguồn tài chính để đầu tư cho công nghệ và thiết bị mới thì việc khai thác tiềm năng cải tiến nội tại là một giải pháp phù hợp và kinh tế. Thông qua việc nâng cao năng lực quản lý (quản lý chất lượng, kiểm soát công nghệ, tổ chức sản xuất, đào tạo nhân viên, bảo dưỡng thiết bị, quản lý nội vi...) để đạt được điều kiện vận hành tốt nhất, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu, năng lượng và giảm các thất thoát mà hầu như không tốn chi phí đầu tư. Đây cũng là lời giải cho các doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn với câu hỏi “Thực hiện sản xuất sạch hơn có cần nhiều tiền hay không?”.

Trần An