[In trang]
Khuyến công Hà Giang: Hướng tới hỗ trợ theo chuỗi giá trị
Thứ hai, 20/02/2017
Năm 2017, khuyến công Hà Giang hướng đến triển khai những đề án trọng điểm và hỗ trợ theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn, đồng thời tạo điểm nhấn cho hoạt động khuyến công trong sự phát triển ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Năm 2017, khuyến công Hà Giang hướng đến triển khai những đề án trọng điểm và hỗ trợ theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn, đồng thời tạo điểm nhấn cho hoạt động khuyến công trong sự phát triển ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; công nghiệp ra đời muộn, chậm phát triển, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ít, quy mô nhỏ. Do đó, số cơ sở đăng ký thụ hưởng từ chương trình khuyến công hàng năm chưa nhiều, nội dung chưa đa dạng, chủ yếu là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất và tham gia hội chợ, triển lãm.

Cũng bởi quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản lý của cơ sở CNNT hạn chế nên chất lượng các đề án khuyến công chưa cao. Việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ còn chậm đã ảnh hưởng tới việc đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hàng năm. Hà Giang cũng có các đề án điểm nhằm tạo điểm nhấn về hiệu quả hoạt động khuyến công đối với một vùng, một ngành nhất định, nhưng chưa xây dựng được đề án hỗ trợ theo chuỗi giá trị của một sản phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đồng thời giúp công tác khuyến công ghi dấu mạnh mẽ trong sự phát triển CNNT của tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến công thương Hà Giang sẽ bám sát các cơ sở, triển khai, bảo đảm hoàn thành đề án đúng tiến độ. Nghiên cứu thế mạnh của từng huyện, thành phố nhằm xây dựng các đề án trọng điểm, tạo điểm nhấn về hiệu quả của hoạt động khuyến công đối với một ngành, một vùng. Nâng mức hỗ trợ nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức chuyển hướng đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Hà Giang cũng sẽ củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức cho công tác khuyến công từ cấp tỉnh tới huyện, xã. Bố trí tối thiểu một cán bộ chuyên trách khuyến công cấp huyện, khuyến công viên cấp xã nhằm tránh tình trạng thay đổi nhân lực, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai đề án cũng như khả năng bám sát cơ sở. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công nhất là công tác đào tạo, tập huấn. Lồng ghép với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình Xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các tổ chức cá nhân nhằm huy động thêm nguồn lực cho khuyến công. Đề xuất với các huyện, thành phố hình thành vùng nguyên liệu tập trung để tạo điều kiện phát triển sản xuất bền vững. Kết hợp hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung để tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ trong dân.

Sở Công Thương tỉnh cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến công thương xây dựng kế hoạch công tác khuyến công giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, hoạt động khuyến công sẽ hỗ trợ bài bản và “ra tấm, ra món” hơn. Đặc biệt, tích cực phối hợp với các ngành khác thực hiện hỗ trợ theo chuỗi giá trị. Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh, việc xây dựng kế hoạch công tác khuyến công đến năm 2020 Hà Giang có chậm hơn các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016 khuyến công tỉnh đã triển khai công tác theo định hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm và đạt được những kết quả khả quan. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp khuyến công Hà Giang thực hiện định hướng hỗ trợ mới trong những năm tiếp theo.

Từ gần 3 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ, năm 2016 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang đã triển khai một số đề án có quy mô lớn. Đây là nền tảng giúp công tác khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2017.