[In trang]
Phú Thọ: Tiếp tục duy trì và nhân rộng sản xuất sạch hơn
Thứ năm, 22/11/2012
Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) đã chính thức kết thúc từ năm 2011, nhưng những hiệu quả mà chương trình này mang lại vẫn tiếp tục được duy trì tại Phú Thọ. Không chỉ thu được những lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường mà sản xuất sạch hơn (SXSH) còn đang thực sự giúp uy tín của doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng cao.

Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) đã chính thức kết thúc từ năm 2011, nhưng những hiệu quả mà chương trình này mang lại vẫn tiếp tục được duy trì tại Phú Thọ. Không chỉ thu được những lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường mà sản xuất sạch hơn (SXSH) còn đang thực sự giúp uy tín của doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng cao.

Phú Thọ là một trong 5 tỉnh mục tiêu của Hợp phần CPI, nằm cách thủ đô Hà Nội không xa, có nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn sớm tiếp cận chiến lược SXSH, đưa kế hoạch hành động quốc gia về SXSH vào hoạt động. Hợp phần CPI đã phối hợp với các đơn vị có nhiều năng lực, kinh nghiệm như Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam… tổ chức hơn 20 khóa đào tạo, hội thảo nâng cao năng lực hiểu biết về các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quản lý môi trường và SXSH cho CBCNV trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hợp phần đã hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng cơ chế tổ chức và hình thành mạng lưới, hình thức quản lý sản xuất kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Hợp phần CPI, từ năm 2007 đến nay, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Tư vấn và TKNL Phú Thọ đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan, tuyên truyền, phổ biến về SXSH, TKNL và những lợi ích của việc áp dụng SXSH đem lại. Hàng năm, Sở Công Thương đã phối hợp với Hợp phần CPI khảo sát, nghiên cứu các điều kiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau nhằm xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng SXSH trong công nghiệp, áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn. Các dự án trình diễn đã giải bài toán cải thiện tình hình với chi phí thấp và thông qua áp dụng SXSH. Các doanh nghiệp sau khi áp dụng các giải pháp SXSH đã thu được những kết quả tích cực, như: Giảm tiêu hao nhiên liệu, năng lượng; phân loại xử lý giảm thiểu ô nhiễm ngay tại nguồn phát sinh nên nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất sản phẩm.

Đánh giá về hiệu quả của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Phú Thọ cho biết: "SXSH đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao ý thức tiết kiệm của người lao động trong sản xuất và bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng hệ thống quản lý môi trường đơn giản cho đơn vị".

Điển hình những lợi ích cơ bản mà các giải pháp SXSH mang lại là giúp Công ty Dệt Vĩnh Phú tiết kiệm 14% điện trong phân xưởng sợi, 9% điện trong phân xưởng dệt và 4% than dùng để sinh hơi cho quá trình hồ vải; ngành sản xuất giấy tại Phú Thọ giảm lượng tiêu thụ nước từ 15-30%, điện từ 10-15%, nguyên liệu đầu vào khoảng 5%...

Những kết quả đạt được từ việc triển khai các hoạt động SXSH ở Phú Thọ được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những dự án lớn. Nguyên nhân là do năng lực quản lý dự án của một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế đã làm cho kế hoạch thực hiện dự án trình diễn tại các doanh nghiệp còn chậm hơn so với tiến độ; nhận thức về SXSH của người lao động còn chưa đầy đủ, ý thức tự giác tiết kiệm chưa trở thành một thói quen, nên cần có những qui định cụ thể và được giám sát chặt chẽ, sát sao. Đặc biệt là khó khăn về nguồn kinh phí, trong khi nguồn ngân sách của Tỉnh chưa có sự hỗ trợ, còn kinh phí dành cho SXSH của doanh nghiệp còn hạn hẹp, chưa đủ khả năng để triển khai thực hiện các giải pháp lớn như thay thế hoặc chuyển đổi công nghệ, đầu tư hệ thống máy móc thiết bị để giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp phải tự chủ động về vốn đối ứng để thực hiện dự án trình diễn, với sự hỗ trợ một phần tài chính từ Hợp phần CPI, nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.

Năm 2013 đang cận kề, Phú Thọ cũng đang hướng tới mục tiêu 70% cơ sở SXSH trong công nghiệp của tỉnh được phổ biến và áp dụng SXSH, từ đó sẽ giảm nguyên liệu đầu vào 10%, giảm 20% tổng lượng phát thải.

Từ thực tế triển khai thực hiện các hoạt động về SXSH trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những năm qua cho thấy, còn nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, như: Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cần tập trung kiểm soát chặt các khâu gây lãng phí và đặt kế hoạch giải quyết theo từng giai đoạn; khi tiếp xúc với dự án, các doanh nghiệp làm chủ được các kỹ thuật và phương pháp luận để triển khai SXSH tại đơn vị mình, hình thành một hệ thống quản lý tích hợp về sản xuất và môi trường để duy trì SXSH và quản lý môi trường một cách bền vững.