[In trang]
Ðẩy mạnh ứng dụng sáng kiến trong sản xuất, kinh doanh
Thứ năm, 29/03/2018
Trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã đầu tư hàng loạt trang thiết bị, máy móc hiện đại của thế giới đưa vào phục vụ hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh việc chủ động nắm bắt, vận hành các thiết bị hiện đại, công tác sáng kiến, sáng chế (SK, SC) tại các đơn vị cũng được đẩy mạnh, trong đó, có hàng nghìn SK, SC đã được áp dụng thành công, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã đầu tư hàng loạt trang thiết bị, máy móc hiện đại của thế giới đưa vào phục vụ hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh việc chủ động nắm bắt, vận hành các thiết bị hiện đại, công tác sáng kiến, sáng chế (SK, SC) tại các đơn vị cũng được đẩy mạnh, trong đó, có hàng nghìn SK, SC đã được áp dụng thành công, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Ðẩy mạnh lao động sáng tạo
 
Là một trong những công trình trọng điểm của quốc gia trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và cung cấp khoảng 30% nguồn xăng dầu cho cả nước, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR) có hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất thế giới. Khi vận hành sản xuất phải tuyệt đối an toàn, tránh mọi rủi ro có thể xảy ra đối với quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng, ban lãnh đạo BSR luôn chủ động xây dựng kế hoạch, lập phương án cụ thể nhằm đối phó mọi tình huống.
 
Trưởng ban Bảo dưỡng - Sửa chữa BSR Lê Nguyễn Quốc Vinh cho biết, khi mới đi vào hoạt động, phần lớn kỹ sư đều bỡ ngỡ và “choáng ngợp” trước quy mô và sự hiện đại của nhà máy. Bằng sự tận tụy, mày mò cho nên chỉ hơn một năm đầu toàn bộ đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã thao tác thuần thục và sẵn sàng tiếp quản, vận hành nhà máy từ các chuyên gia nước ngoài. Ðến nay, mọi công việc liên quan vận hành nhà máy đều do người Việt Nam đảm nhiệm. Với khối lượng công việc lớn, hệ thống quản lý lên tới hàng chục nghìn đầu thiết bị cùng hơn 130 nghìn đoạn ống, đường ngầm,… là những áp lực rất lớn, đòi hỏi công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ phải được quản lý, giám sát chặt chẽ.
 
Nhờ quy trình nghiêm ngặt như vậy, nhà máy đã đạt được hiệu quả cao trong quá trình kinh doanh và đạt hơn 14 triệu giờ công an toàn, đây là chỉ số ít có nhà máy nào trên thế giới đạt được. Trưởng ban Vận hành sản xuất BSR Mai Tuấn Ðạt cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là tổ hợp phức tạp, có độ rủi ro về an toàn và kỹ thuật ở mức rất cao vì nguy cơ gây cháy nổ luôn rình rập. Nhận diện rõ vấn đề này, ngay từ rất sớm, BSR đã thiết lập riêng một bộ tài liệu Chiến lược vận hành - bảo dưỡng; trong đó, đặt mục tiêu đầu tiên là duy trì nhà máy vận hành an toàn ở cấp độ cao nhất. Biện pháp được áp dụng xuyên suốt trong bộ tài liệu là quản trị rủi ro thông qua một hệ thống các giải pháp quản lý và kỹ thuật tiên tiến nhất đang được áp dụng trên thế giới,…
 
Không chỉ bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, đẩy mạnh sản xuất, BSR cũng đặc biệt chú trọng phong trào thi đua lao động sáng tạo. Trong giai đoạn 2012 - 2017, BSR đã có hàng trăm SK, SC được công nhận và áp dụng thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ðề tài "Giải pháp giảm nhiệt độ tường lò, giảm nhiệt độ khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho lò gia nhiệt H-1101 tại Phân xưởng chưng cất dầu thô CDU, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” của Kỹ sư Ðào Xuân Giỏi và các cộng sự được ghi danh vào sách vàng và chính thức áp dụng tại công ty từ tháng 7-2014 đến nay. Sau khi áp dụng, kết quả lưu lượng khí nhiên liệu Fuel Gas tiết kiệm khoảng 9,6 triệu USD/năm. Lượng hơi nước tiết kiệm được trong một năm đạt giá trị khoảng 1,8 triệu USD.
 
Việc cắt giảm hơi nước làm giảm lượng nước chưa đưa sang phân xưởng SWS để xử lý, giảm nguy cơ quá tải và chi phí xử lý. Sáng kiến này có chi phí đầu tư chỉ hơn 57 nghìn USD/năm tiết kiệm hơn 11 triệu USD/năm. Ðề tài này còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy tăng công suất chế biến lên 110% mà không gặp trở ngại trong quá trình vận hành lò gia nhiệt H-1101 tại phân xưởng CDU. Tương tự, tại Tổng công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí (PVEP) trong 5 năm qua đã có 55 SK, SC, làm lợi cho doanh nghiệp gần 853 triệu USD. Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro có gần 200 đơn đăng ký SK, SC, cải tiến kỹ thuật, trong đó, có gần 150 đơn được công nhận là SK, SC đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp hơn 10 triệu USD/năm,…
 
Kiện toàn tổ chức, quản lý
 
Trong chiến lược phát triển của PVN, khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò đột phá, quyết định đối với hoạt động của cả chuỗi công nghiệp dầu khí, từ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đến công nghiệp khí, công nghiệp chế biến dầu khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Hoạt động KHCN tại PVN hiện đã và đang được triển khai ở tất cả khâu thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn, các lĩnh vực kinh tế, quản lý, an toàn và môi trường dầu khí. Kết quả của việc không ngừng phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN dầu khí một cách đồng bộ, tiếp nhận thành tựu KHCN mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, gắn kết nghiên cứu khoa học với ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN những năm qua đã để lại dấu ấn rõ rệt của KHCN trong mỗi thành công của tập đoàn và các đơn vị thành viên; từng bước thể hiện vai trò quyết định của KHCN trong Chiến lược phát triển của tập đoàn. Thành tựu nổi bật của hoạt động KHCN, ứng dụng, đổi mới công nghệ của PVN những năm qua được khẳng định bằng những con số ấn tượng với bảy bằng phát minh, bằng sáng chế, được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cùng giá trị làm lợi cho doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
 
Phó Tổng Giám đốc PVN kiêm Chủ tịch Hội đồng KHCN, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến Tập đoàn Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết, các SK, SC trong thời gian qua đã giải quyết được rất nhiều vấn đề thực tiễn quan trọng như: Sử dụng chất lỏng làm kín pô-li-me hóa dưới tác động chênh lệch áp suất để khắc phục sự cố rò rỉ cơ cấu quay truyền tải nước và dầu khai thác trên tàu Thái Bình - VN FPSO; giải pháp công nghệ và kỹ thuật nhằm đưa các giếng từ tầng sản phẩm “E Sequence” thuộc mỏ Sư tử nâu vào khai thác sớm của CLJOC,…
 
Theo thống kê chưa chính thức, kể từ năm 2012 đến nay, các đơn vị thành viên đã có 1.764 SK, SC được công nhận là sáng kiến cấp cơ sở với số tiền làm lợi hơn 7.347 tỷ đồng. Ở cấp tập đoàn, có 61 sáng kiến được công nhận với tổng số tiền làm lợi hơn 3.587 tỷ đồng. Trong thời gian tới, PVN sẽ kiện toàn lại công tác tổ chức và quản lý SK, SC trong toàn ngành từ tập đoàn đến các đơn vị cơ sở; đưa công tác quản lý SK, SC vào nền nếp, phát động thi đua, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động SK, SC nhằm đưa PVN phát triển ổn định và bền vững.
 
Nguồn: nhandan.com.vn