[In trang]
Ngành cơ khí áp dụng công nghệ mới, tăng sức cạnh tranh
Thứ hai, 27/11/2017
Sức ép đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất là một thách thức đối với các DN cơ khí Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang bùng nổ. Ngành cơ khí cần tận dụng tốt kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nâng cao vị thế cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Sức ép đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất là một thách thức đối với các DN cơ khí Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang bùng nổ. Ngành cơ khí cần tận dụng tốt kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nâng cao vị thế cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, thế giới đang phát triển đến trình độ công nghệ 4.0. Trong khi đó, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam mới ở giai đoạn công nghiệp 2.0 hoặc 3.0, sản xuất vẫn ở trình độ thấp bởi thiếu hụt công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) - thừa nhận, cơ hội CMCN 4.0 đang đến gần, song cũng chính là thách thức cho ngành cơ khí. Báo cáo của VAMI cho thấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20%. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: Thiết kế chế tạo thủy công, thiết bị nhà máy xi măng, giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than. "Tuy nhiên, các sản phẩm Việt Nam tham gia có giá trị gia tăng còn thấp, chưa tạo được nhiều đầu ra cho sản phẩm và còn tồn tại các xí nghiệp cơ khí yếu kém" - ông Nguyễn Văn Thụ cho biết.

Theo thống kê của VAMI, cả nước hiện có khoảng 3.100 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng giá trị gia tăng thấp và năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD NK máy móc, thiết bị. Ước tính, các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường. 

"Mạnh tay" đầu tư nguồn lực

Chia sẻ tại Hội thảo "Công nghiệp cơ khí Việt Nam: đổi mới và phát triển" được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, tính khả thi của CMCN 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản, nhưng cần được thực hiện ngay. Hiện, các DN cơ khí trong nước đã chú trọng đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hợp tác, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến.

Đơn cử, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự kiến đầu tư 5.695 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020, nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, trong đó tập trung vào mục tiêu XK, tiến đến có doanh thu XK bằng doanh thu thị trường trong nước sau 5 - 10 năm. Công ty CP Cơ khí Phổ Yên đầu tư dây chuyền sản xuất bằng các dòng máy mới từ Nhật Bản. Công ty Cơ khí Hà Nội đầu tư trang thiết bị dây chuyền đúc, cung cấp sản phẩm cho Trường Hải Auto, VEAM…

Theo Bộ Công Thương, để tạo điều kiện cho các DN cơ khí Việt Nam thực sự bứt phá, ngành cơ khí cần nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng lựa chọn áp dụng công nghệ 3.0 và 4.0 để chế tạo các sản phẩm cơ khí có chất lượng, giá thành hợp lý, thay thế cho NK. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư lớn về năng lượng, thủy điện, công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng dân dụng, công nghiệp quốc phòng…, cần quy định ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí Việt Nam đã đạt chất lượng và tương đương về giá.