Khuyến công Hậu Giang: Chú trọng đổi mới thiết bị
Thứ tư, 05/07/2017
Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng và lợi thế trong cạnh tranh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang (trung tâm) luôn tìm kiếm giải pháp giúp doanh nghiệp (DN), đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị. Qua đó, tiết kiệm tối đa chi phí trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh.
Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng và lợi thế trong cạnh tranh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang (trung tâm) luôn tìm kiếm giải pháp giúp doanh nghiệp (DN), đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị. Qua đó, tiết kiệm tối đa chi phí trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh.
Thực tế, trung tâm đã hỗ trợ hàng chục cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thay đổi máy móc, thiết bị trong sản xuất và các mô hình trình diễn kỹ thuật. Đến nay, tất cả các cơ sở sản xuất được hỗ trợ đã đưa thiết bị vào vận hành và sử dụng ổn định, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - chủ cơ sở xay xát gạo Tâm Hà (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) - cho biết, năm 2016 cơ sở Tâm Hà được tỉnh hỗ trợ một máy tách màu gạo. Hệ thống máy này được xem là tiên tiến nhất hiện nay. Máy hoạt động tự động, chất lượng sản phẩm làm ra bảo đảm độ chính xác cao, đồng nhất, công suất hoạt động đạt từ 6-14 tấn/giờ. Hiệu quả sau khi đưa hệ thống này vào hoạt động, chất lượng và số lượng sản phẩm đều tăng đáng kể so với trước.
Theo ông Phạm Quốc Ân - Giám đốc trung tâm - hầu hết các cơ sở CNNT phát huy hiệu quả sau khi nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Một số sản phẩm đã xác lập được chỗ đứng trên thị trường. Tuy vậy, công tác khuyến công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Một số dự án, đề án không thực hiện được hoặc chậm tiến độ do cơ sở sản xuất thiếu vốn. Trong năm 2016, có 3 cơ sở xin không thực hiện đề án.
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ cùng các cơ sở xem xét đổi mới thiết bị ở từng khâu mang tính trọng điểm, tập trung ở các khâu sản xuất quan trọng mang tính sống còn trong toàn bộ hệ thống sản xuất.
Cũng theo ông Phạm Quốc Ân, để các hoạt động khuyến công triển khai có hiệu quả, trước hết, cần có sự phối hợp đồng bộ, giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giới thiệu về các chương trình, đề án khuyến công quốc gia, địa phương rộng khắp. Đồng thời, hình thành kênh tư vấn, hướng dẫn các DN lựa chọn đối tượng, ngành nghề đầu tư, để từ đó, công tác khuyến công xác định đúng đối tượng phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Theo đó, trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các đề án đang thực hiện nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh; tiếp tục kiểm tra hiệu quả của các đơn vị đã thụ hưởng từ chương trình khuyến công, đẩy mạnh công tác tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thẩm định các công trình theo quy định; tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến công.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai 5 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở CNNT với kinh phí 950 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.