[In trang]
Xử lý vật liệu xây dựng: Ứng dụng công nghệ tuyển ướt tận dụng tro xỉ than
Thứ ba, 18/04/2017
Các nhà máy nhiệt điện than thải ra một lượng lớn tro xỉ thải làm tăng chi phí và tốn diện tích đất lớn để chôn lấp. Chính vì vậy, xu hướng tận dụng xỉ than để làm vật liệu xây dựng ngày càng trở nên rộng rãi. Hiện nay, công nghệ tuyển ướt để thu hồi tro xỉ than được sử dụng phổ biến và đem lại nhiều lợi ích.

Các nhà máy nhiệt điện than thải ra một lượng lớn tro xỉ thải làm tăng chi phí và tốn diện tích đất lớn để chôn lấp. Chính vì vậy, xu hướng tận dụng xỉ than để làm vật liệu xây dựng ngày càng trở nên rộng rãi. Hiện nay, công nghệ tuyển ướt để thu hồi tro xỉ than được sử dụng phổ biến và đem lại nhiều lợi ích.

Công nghệ xử lý tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng chia làm 2 công đoạn: Phân loại -  xử lý sơ cấp và tận dụng tro xỉ để phục vụ sản xuất. Tại công đoạn thứ nhất: tro xỉ sau khi được đưa ra bãi chứa sẽ được xử lý đảm bảo thành phần, tính chất phù hợp với thành phần của các loại vật liệu xây dựng như xi măng, bê tông, vữa xây, gạch đất sét,… hoặc phân loại đủ điều kiện để làm vật liệu san lấp, ổn định nền đất yếu. Áp dụng phương pháp tuyển ướt, tro xỉ được tưới phun, sau đó sử dụng một số loại phụ gia để tách các thành phần hóa học không mong muốn, mục đích cuối cùng là giữ lại trong tro xỉ các thành phần chủ yếu như ôxít sắt, ôxít nhôm, ôxít silic (các thành phần ổn định trong vật liệu xây dựng). 
 
Tại công đoạn thứ 2, tùy vào thành phần tro xỉ và kích thước hạt mà tro xỉ sau khi phân loại kĩ càng sẽ được tận dụng trong quá trình sản xuất: tro bay được đưa vào bê tông và vữa xây dựng; hoặc tro xỉ có thể được nghiền mịn và sử dụng thay thế cho đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Ngoài ra, để tiêu thụ được khối lượng lớn tro xỉ thì người ta dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp, gia cố các nền đất tại những vùng đất yếu. Tro xỉ trộn lẫn với đất có thể làm tăng khả năng chịu tải của nền đất.
 
Tại Việt Nam hiện nay, công nghệ tuyển ướt đã được nhà máy nhiệt điện Phả Lại áp dụng thành công để xử lý và tận thu tro bay trong quá trình sản xuất bê tông đầm lăn để phục vụ thi công đập các thủy điện lớn., tiêu biểu như như công trình thủy điện Sơn La dài khoảng 1km, cao 138m, rộng 90m. Nhờ giải pháp này, thời gian thi công đập đã được rút ngắn, góp phần tăng tiến độ thi công chung của nhà máy thủy điện Sơn La trong 3 năm. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn có thành phần tro bay ở thủy điện Sơn La đã giúp làm lợi cho nhà nước 1,5 tỷ USD.
 
Thực tế đã cho thấy, nếu các nhà máy nhiệt điện than có thể sử dụng công nghệ tuyển ướt để xủa xử lý hiệu quả nguồn tro xỉ phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng thì không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế mà còn giúp giảm thiểu nhiều loại chi phí cho xử lý chất thải rắn và góp phần bảo vệ môi trường.
 
Văn phòng CPSI