Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải có những hành động và biện pháp mang tính thực tiễn. Trong đó, cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong số những giải pháp tối ưu nhất. Thật không may, nhiên liệu hóa thạch vẫn là một nguồn năng lượng không thể thiếu được trong đời sống. Mặc dù chúng ta có thể vừa giảm sản sinh khí thải độc hại, vừa không kìm hãm sự tăng trưởng toàn cầu bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nhưng việc cố gắng ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ rất khó khăn. Tuy rằng khoa học công nghệ hiện nay đang phát triển khá nhanh, một nền kinh tế “ít cacbon” vẫn là một tương lai xa vời. Khái niệm “tỷ lệ hoàn vốn đầu tư về năng lượng” (EROI) sẽ giải thích cho chúng ta biết lý do.
Về lý thuyết, nếu một cơ sở có tỷ lệ EROI lớn hơn 1 một chút thì nghĩa là cơ sở đó đang có thặng dư năng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, EROI cần phải cao hơn 1 khá nhiều thì mới có thể coi là có hiệu quả về năng lượng. Lý do là vì, người lao động cần sử dụng năng lượng để lái xe từ nhà đến nơi làm việc. Nhà ở của họ cũng cần tiêu thụ năng lượng. Nhân viên tại những cửa hàng mà họ tới mua sắm cũng cần năng lượng để lái xe và mua sắm. Khi chúng ta ngày càng trở nên khá giả hơn, chúng ta lại muốn có nhiều trường học và bệnh viện hơn, và do đó nhu cầu năng lượng lại càng gia tăng.
Tăng EROI bằng cách giảm chi phí năng lượng là câu trả lời cho hiện tượng thế giới tăng trưởng rất nhanh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, chi phí năng lượng đang gia tăng, khiến cho năng suất bị kìm hãm. Đây là một xu hướng nguy hiểm nếu nó vẫn cứ tồn tại và tiếp diễn.
Nguồn năng lượng thay thế có thể là giải pháp cho vấn đề này, nhưng chúng không phải là biện pháp có thể thực hiện độc lập mà vẫn đảm bảo tính bền vững. Để năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể vĩnh viễn thay thế nhiên liệu hóa thạch một cách đảm bảo, chúng ta cần phải nâng cao hiệu suất của chúng lên rất nhiều và kết hợp chúng trong một hệ thống năng lượng quy mô lớn. Tuy nhiên, một hệ thống như vậy sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất năng lượng.
Khí thiên nhiên, một loại hydrocacbon dồi dào và sạch hơn cả dầu và than đá, cũng là một cơ hội. Tuy nhiên, khi sử dụng loại nhiên liệu này, chúng ta bắt buộc phải kiểm soát được khí thải metan – một loại khí còn nguy hiểm đối với môi trường hơn cả khí cacbonic.
Năng lượng thủy điện có tỷ lệ EROI tốt và có thể lưu trữ được (sử dụng đập hoặc bơm nước). Tuy nhiên, khả năng mở rộng của nó khá hạn chế. Năng lượng hạt nhân (có EROI cao và không sinh khí thải) và địa nhiệt (luôn sẵn có vào mọi thời điểm và cũng không sinh khí thải) có rất nhiều ưu điểm mong muốn đối với công nghiệp sản xuất năng lượng. Thế nhưng, mặc dù cũng là một trong số các giải pháp giảm khí thải, năng lượng hạt nhân vẫn có những hạn chế. Về phía năng lượng năng lượng địa nhiệt, các chuyên gia ước tính rằng nó sẽ chỉ đáp ứng được dưới 1% nhu cầu năng lượng vào năm 2040.
Những khó khăn trên đang kìm hãm tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy, trừ khi dân số thế giới ngừng gia tăng, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai gần.
Một trong những vấn đề mà chúng ta cần chú ý là việc sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả và tối ưu. Dùng điện để sưởi ấm nói chung khá lãng phí. Chúng ta nên thiết kế lại hệ thống điện và sử dụng khí đốt cho các hoạt động sưởi ấm.
Khí thải sẽ được cắt giảm đáng kể nếu chúng ta thay thế than bằng khí thiên nhiên. Thay thế các nhà máy sản xuất điện từ than bằng nhà máy năng lượng hạt nhân và gió, đồng thời sử dụng tuabin khí đốt làm phương án dự phòng, sẽ còn giúp cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa.
Văn phòng CPSI
Theo Theglobeandmail