Gia tăng nhu cầu về công nghệ xanh, công nghệ sạch
Thứ hai, 05/12/2016
Thực tế này được TS Bùi Nữ Hoàng Anh - đại diện khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn- ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên - nêu tại Diễn đàn xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ, trong khuôn khổ sự kiện trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ - TechDemo 2016.
Thực tế này được TS Bùi Nữ Hoàng Anh - đại diện khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn- ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên - nêu tại Diễn đàn xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ, trong khuôn khổ sự kiện trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ - TechDemo 2016.
Chủ trì diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết: "Cùng với các hoạt động kết nối cung cầu, diễn đàn là một trong những nỗ lực của Bộ KH&CN nhằm tăng cường hơn nữa các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ, thiết bị phù hợp, cơ sở đổi mới sản phẩm, quy trình sản xuất và kinh doanh, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Qua đây, có thể đánh giá khách quan về thực trạng thị trường KH&CN, đưa ra các kiến nghị phù hợp với địa phương và từng vùng miền".
Trong các vấn đề được nêu tại diễn đàn, công nghệ xanh, công nghệ sạch là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất. TS Hoàng Anh khẳng định, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị... góp phần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội phát triển.
"Tuy nhiên, nhìn tổng thể, bản thân thị trường công nghệ nước ta còn yếu kém, do đó thị trường phuc vụ sản xuất nông nghiệp và công nghệ xanh, công nghệ sạch còn non yếu, sơ khai và mới mẻ. Riêng khu vực Trung du miền núi phía Bắc lại càng có những khó khăn riêng mang tính chất đặc thù bởi những khó khăn về không gian địa lý, địa hình. Để tạo lập và phát triển một thị trường công nghệ cần có ba nhân tố bao gồm bên bán, bên mua và các đơn vị trung gian mô giới", TS Hoàng Anh cho biết và phân tích: Về sức mua, các tổ chức, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu cao về công nghệ và thiết bị, bí quyết kinh doanh... để tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng do vậy cần một lượng lớn sản phẩm khoa học công nghệ. Đây là một sức mua khá dồi dào dành cho thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghệ xanh, công nghệ sạch. Theo báo cáo của một số địa phương, thị trường nhìn chung mới đáp ứng được khoảng gần 60% tổng số mua hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, hơn 40% nhu cầu mua không được thỏa mãn.
TS Hoàng Anh nhận định: "Hiện nay cầu đã có nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khả năng cung của các đơn vị KH&CN còn khiêm tốn. Trình độ nghiên cứu không đồng đều, hoạt động nghiên cứu chủ yếu theo tuyển chọn hoặc giao trực tiếp từ các cơ quan quản lý nhà nước. Do cung và cầu vẫn còn một khoảng cách khá xa nên việc giao dịch, mua bán trên thị trường còn lệch pha, hoạt động mua bán diễn ra còn ít".
Đưa ra kiến nghị tại diễn đàn, TS Hoàng Anh cho rằng, để từng bước thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, các địa phương và doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các tổ chức trung gian nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động thị trường công nghệ.
Văn phòng CPSI