Công nghệ sản xuất buộc phải đổi mới
Thứ hai, 05/12/2016
Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 92/140 quốc gia về mức độ sẵn sàng về công nghệ, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp (DN) đứng thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ đứng thứ 112/140 quốc gia. Trước thực tế này, Việt Nam sẽ phải thúc đẩy các DN tích cực thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 92/140 quốc gia về mức độ sẵn sàng về công nghệ, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp (DN) đứng thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ đứng thứ 112/140 quốc gia. Trước thực tế này, Việt Nam sẽ phải thúc đẩy các DN tích cực thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK), xuất khẩu dệt may các tháng đầu năm nay sụt giảm so với cùng kì các năm. Nếu như các năm trước, tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 10% thì năm nay chỉ đạt 5,3 - 5,5% so với cùng kỳ. Để nâng cao sức cạnh tranh, các DN cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để hạ giá thành, chuyển hướng cạnh trang sang mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang. Lợi ích từ đổi mới công nghệ là rất lớn, có thể giúp tăng trưởng doanh thu từ 25-40%. Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, việc tiếp cận và triển khai các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước hiện vẫn rất khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách đầu tư công nghệ: “Công nghệ là chìa khóa thành công trong hội nhập và nhiều DN trong nước đã ý thức sâu sắc vấn đề sống còn này chú trọng đầu tư đổi mới. Hiện 30% thành viên của hội đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và nhiều DN đang chuyển hướng mua thiết bị, công nghệ từ châu Âu, Mỹ, Nhật. Để khuyến khích DN mạnh tay đầu tư cho công nghệ, theo tôi Chính phủ nên tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách đầu tư công nghệ hiện nay; trong các quy định cần có những tiêu chí cụ thể nhằm giúp các DN hiểu rõ những tác động tích cực, tiêu cực khi nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát và ngăn chặn các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam, Luật Chuyển giao công nghệ nên có quy định bắt buộc DN đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Văn phòng CPSI