Tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành tư vấn sản xuất sạch hơn (Đợt 1)
Thứ ba, 29/11/2016
Từ ngày 10-12/8/2016, khóa tập huấn Nâng cao kỹ năng thực hành Hỗ trợ và Tư vấn Sản xuất sạch hơn do Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn EPRO đã diễn ra tại Khách sạn Đại Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 10-12/8/2016, khóa tập huấn Nâng cao kỹ năng thực hành Hỗ trợ và Tư vấn Sản xuất sạch hơn do Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn EPRO đã diễn ra tại Khách sạn Đại Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến tham dự khai mạc khóa tập huấn có bà Kiều Nguyễn Việt Hà, đại diện của Vụ Khoa học Công nghệ, bà Tăng Thị Hồng Loan- Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EPRO và bà Nguyễn Thị Truyền – Giảng viên tại trường Đại học Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh là giảng viên khóa tập huấn và hơn 30 học viên đến từ các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn Công nghiệp và các doanh nghiệp trên cả nước.
Mục tiêu của khóa tập huấn là đào tạo cho các cán bộ hỗ trợ và tư vấn sản xuất sạch hơn về thực hành đánh giá nhanh SXSH tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong 2 ngày học lý thuyết, các giảng viên đã giới thiệu tổng quát về sản xuất sạch hơn, các giải pháp của sản xuất sạch hơn, cách thu thập thông tin tại nhà máy thông qua quan sát, phỏng vấn; kỹ thuật đánh giá hiệu quả sử dụng nước và nguyên liệu thô; đánh giá hiệu quả sử dụng nhiệt; đánh giá hiệu quả sử dụng điện; cách lập báo cáo đánh giá nhanh SXSH và kế hoạch thực hiện các công việc tiếp theo sau khi tiến hành đánh giá.
Học viên cũng được trang bị kiến thức về cách thức tiến hành đánh giá nhanh từ khâu chuẩn bị, đánh giá và báo cáo. Với khâu chuẩn bị, học viên cần trang bị kỹ năng về tư vấn, đánh giá như kỹ năng quan sát, thu thập và đọc số liệu, kỹ năng phỏng vấn. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu đặc điểm công nghệ sản xuất của nhà máy trước khi tiến hành đánh giá như quy trình sản xuất cơ bản, đầu ra, đầu vào, điều kiện công nghệ, thiết bị sử dụng, mức tiêu hao nhiên liệu,… Trong quá trình đánh giá cần tự đặt 4 câu hỏi chính: Nhà máy có phát sinh chất thải không? Tại sao lại phát sinh chất thải? Làm thế nào để giảm lượng chất thải? Làm thế nào để triệt tiêu chất thải? Những câu hỏi này phải được trả lời thông qua việc quan sát, chụp ảnh, qua phỏng vấn và tham khảo số liệu sản xuất của nhà máy. Trong báo cáo đánh giá, cần ước tính hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng thông qua tính toán hiệu quả tại công đoạn lãng phí nhất hoặc so sánh hoạt động sản xuất hiện tại với các thực hành tương đương. Mục đích cuối cùng của đánh giá nhanh SXSH là thay đổi tư duy, thái độ về hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng tại doanh nghiệp.
Trong ngày cuối cùng của khóa học, các học viên được đi tham quan nhà máy cao su Phước Hòa, tỉnh Bình Dương. Tại đây, học viên được đi tham quan toàn bộ dây chuyền sản xuất tại nhà máy chế biến cao su Cuaparis. Sau buổi tham quan, học viên cùng các giảng viên đã tìm ra một số lãng phí và vấn đề trong hoạt động sản xuất của nhà máy đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục.
Sau khóa học đợt 1, học viên chia nhóm để tiến hành lựa chọn, thực hành đánh giá nhanh SXSH tại một nhà máy để báo cáo trong khóa học đợt 2.
Văn phòng CPSI (viết)