Năng lượng tái tạo giúp thu hẹp khoảng cách về tài nguyên
Thứ tư, 24/08/2016
Mới đây, Tổ chức Mạng lưới chính sách về Năng lượng tái tạo Thế kỷ 21, viết tắt là REN21, đã công bố “Báo cáo tình hình toàn cầu về Năng lượng tái tạo năm 2016”. Báo cáo đã cho thấy rằng, năng lượng tái tạo hiện đang là một nguồn tài nguyên chủ chốt và giàu tính cạnh tranh tại rất nhiều đất nước trên toàn thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia giàu năng lượng và nghèo năng lượng.
Mới đây, Tổ chức Mạng lưới chính sách về Năng lượng tái tạo Thế kỷ 21, viết tắt là REN21, đã công bố “Báo cáo tình hình toàn cầu về Năng lượng tái tạo năm 2016”. Báo cáo đã cho thấy rằng, năng lượng tái tạo hiện đang là một nguồn tài nguyên chủ chốt và giàu tính cạnh tranh tại rất nhiều đất nước trên toàn thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia giàu năng lượng và nghèo năng lượng.
2015 là một năm kỷ lục đối với việc ứng dụng năng lượng tái tạo. Công suất phát điện từ năng lượng tái tạo đã có một bước tiến lớn chưa từng có, ước tính tăng thêm khoảng 147 gigawat (GW). Sản lượng tạo nhiệt từ năng lượng tái tạo cũng tiếp tục tăng cao, đồng thời việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng được mở rộng trong lĩnh vực giao thông vận tài.
Các kết quả này có được là nhờ một số yếu tố. Đầu tiên, năng lượng tái tạo hiện đang rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch tại rất nhiều thị trường. Ngoài ra, các lãnh đạo chính phủ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.
Những yếu tố tăng trưởng khác bao gồm: các nguồn tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn, vấn đề an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường đang được quan tâm nhiều hơn,…
2015 là một năm kỷ lục không chỉ đối với việc áp dụng năng lượng tái tạo, mà còn đối với lĩnh vực đầu tư – các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới đã đạt mức 286 tỷ USD. Nếu tính cả những khoản đầu tư vào các công trình thủy điện quy mô lớn (có công suất cao hơn 50 MW) và vào những hệ thống sưởi ấm, làm mát thì con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Mặc dù xu hướng nhìn chung là khá tích cực, báo cáo vẫn chỉ ra một số thách thức cần được giải quyết nếu các chính phủ muốn thực hiện cam kết chuyển dịch khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Những vấn đề này bao gồm: tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện một cách hiệu quả và với tỷ lệ cao; giải quyết các chính sách, bất ổn chính trị, rào cản pháp lý và những khó khăn tài chính;…
Ông Arthouros Zervos, Chủ tịch của REN21, nói: "Để đẩy nhanh việc chuyển đổi hướng tới một tương lai vững chắc, an toàn hơn và không gây hại đến khí hậu, chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống tương đương với một mạng lưới đường sắt cao tốc - một hệ thống thông minh, linh hoạt hơn nhằm tối đa hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên đa dạng của năng lượng tái tạo”.