[In trang]
Khuyến khích các ý tưởng công nghệ ứng phó BĐKH
Thứ sáu, 12/08/2016
Việc hỗ trợ để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ xanh, sạch đang là hướng đi tích cực trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), khuyến khích các doanh nghiệp cùng đóng góp thực hiện Chương trình mục tiêu về BĐKH.

Việc hỗ trợ để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ xanh, sạch đang là hướng đi tích cực trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), khuyến khích các doanh nghiệp cùng đóng góp thực hiện Chương trình mục tiêu về BĐKH.

Ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với BĐKH Việt Nam (VCIC) (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chọn ra 19 doanh nghiệp để trao giải thưởng “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tùy theo quy mô dự án, mức hỗ trợ cao nhất doanh nghiệp có thể nhận được là 75.000 USD, bao gồm hỗ trợ tài chính và các dịch vụ ươm tạo ý tưởng, xác định mô hình kinh doanh hiệu quả và thương mại hóa sản phẩm.

Ông Nguyễn Việt Long, Chuyên gia Tư vấn của Dự án VCIC cho biết: Chúng tôi khá bất ngờ khi nhận được tới hơn 300 hồ sơ ý tưởng từ nhiều địa phương trên cả nước, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã ý thức được tiềm năng của khoa học công nghệ về BĐKH. Qua sàng lọc khắt khe, chỉ 19 ý tưởng đáp ứng xuất sắc các tiêu chí: Tính đổi mới sáng tạo, tính khả thi triển khai trên thị trường, tác động về môi trường và xã hội.

Những dự án nổi bật có thể kể đến: “Dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động”, “Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED”,“Lưới điện mặt trời mini,” “Mô hình sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ khép kín không chất thải”, “Giải pháp đi chung xe dựa trên nền tảng trực tuyến và di dộng”… Có ý tưởng đang nghiên cứu khả thi và có tính ứng dụng cao; có ý tưởng đã trở thành sản phẩm thương mại, cần phương thức mở rộng thị trường.

Nhiều đại diện doanh nghiệp nhận định, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng lựa chọn các sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Vẫn còn khá nhiều khoảng trống để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là trong việc tận dụng các nghiên cứu tại chỗ với giá thành hợp lý. Những người trẻ không thiếu ý tưởng và nhiệt huyết, cái họ cần là đòn bẩy để để phát triển sản phẩm, từng bước kiếm được lợi nhuận chân chính từ ý tưởng ấy. Anh Nguyễn Chí Dũng, Trưởng nhóm ý tưởng Phân xanh hữu cơ, Công ty TNHH Kỹ thương Tuệ Minh cho rằng: Cơ quan nhà nước nên tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp tư nhân, các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác, mở ra cánh cửa công nghệ mới, công nghệ sạch của Việt Nam.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, ngoài các quỹ do Nhà nước và đối tác quốc tế tài trợ theo cơ chế hợp tác, doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn có thể tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm với sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng và mô hình kinh doanh. Cần chú ý rằng sản phẩm thương mại hóa không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn phải góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, đặc biệt là trước các tác động của BĐKH.

Sẽ đánh giá nhu cầu công nghệ các bon thấp

Nhằm xác định nhu cầu thực về khoa học công nghệ phục vụ ứng phó với BĐKH của nước ta, sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành đánh giá nhu cầu công nghệ các bon thấp cho các hoạt động giảm nhẹ KNK. Cụ thể, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT, phối hợp với chuyên gia các Bộ ngành phân tích, đánh giá và lập danh mục ưu tiên các phương án công nghệ các bon thấp cần cho 45 phương án giảm nhẹ, được nêu ra trong Báo cáo quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam. Yêu cầu đánh giá sao cho khớp với nhu cầu thực tế hoạt động ngành, lĩnh vực liên quan.

Đại diện phía JICA khẳng định: Danh mục sẽ chỉ rõ vị trí của khoa học công nghệ Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa gắn liền với tăng trưởng xanh, góp phần nâng cao năng lực quản lý cho các Bộ, ngành, địa phương và làm tiền đề hợp tác với các đối tác phát triển.

Riêng đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ sở để chủ động lên kế hoạch nghiên cứu và đầu tư đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH trong nước. Việc đón đầu xu thế sẽ góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho tất cả các quy mô doanh nghiệp, thu hút nguồn đầu tư cả trong nước và quốc tế.

Theo ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khối kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động ứng phó với BĐKH trên toàn cầu. Tất cả các nước, kể cả nước phát triển và đang phát triển, đều có thể góp phần huy động vốn tư nhân đầu tư vào công nghệ sạch ứng phó với BĐKH bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.“Càng giảm khí thải cacbon thì càng tăng sự cạnh tranh cho Việt Nam, trong đó có sự phát triển cho các doanh nghiệp”, ông Fork nhấn mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai Hoạt động Đánh giá nhu cầu công nghệ các bon thấp cho các hoạt động giảm nhẹ từ tháng 8/2016 – 6/2017. Hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA) do JICA tài trợ.