[In trang]
Nâng cao hiệu suất cho các nhà máy lọc dầu Việt Nam
Thứ ba, 16/05/2017
Trong gần 20 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Honeywell đã có nhiều hợp tác hiệu quả từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn cũng như các dự án khí.

Trong gần 20 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Honeywell đã có nhiều hợp tác hiệu quả từ khâu thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn cũng như các dự án khí.

Là tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ, Honeywell đã có lịch sử phát triển hơn 130 năm, luôn đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng hiệu quả với gần 50% danh mục sản phẩm được thiết kế và chế tạo để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững về sử dụng năng lượng. Luôn coi Việt Nam là một thị trường quan trọng với tiềm năng tăng trưởng cao, Honeywell đã có mặt tại đây trong gần hai thập niên và xây dựng được một nền tảng vững chắc. Thị trường Việt Nam trở thành hiện tượng khi đạt được mức tăng trưởng hai chữ số về doanh thu theo từng năm, đóng góp đáng kể vào thành công của Honeywell.

Honeywell UOP là một công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của Honeywell và là một bộ phận của nhóm kinh doanh chiến lược công nghệ và vật liệu chuyên dụng, là nhà cung cấp toàn cầu về công nghệ lọc hóa dầu, chất xúc tác, các chất hấp phụ cũng như các dịch vụ kỹ thuật và các thiết bị liên quan.

Được biết, từ năm 1999, Honeywell UOP đã cấp phép cho các công nghệ CCR Platforming™ và Penex™ cho Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất của Petrovietnam, phục vụ cho việc sản xuất nhiên liệu, thành phần pha trộn nhiên liệu và hương liệu. Hiện Honeywell UOP là nhà bản quyền công nghệ của các phân xưởng công nghệ quan trọng của NMLD Dung Quất.

Trong bối cảnh cả Honeywell và Petrovietnam đều kỳ vọng vào việc tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác trong những lĩnh vực mà ngành Dầu khí Việt Nam có nhu cầu cũng như Honeywell có thế mạnh, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Steven Eshelman, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Honeywell UOP.

PV: Được biết, từ tháng 9-2016 Honeywell UOP đã giới thiệu tới các doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam một loại hình dịch vụ mới có tên là Dịch vụ tối ưu hiệu suất kết nối (Connected Plant Service). Ông có thể chia sẻ với chúng tôi chi tiết về dịch vụ này được không?

Ông Steven Eshelman: Đúng vậy. Chúng tôi hiện đang cung cấp chương trình tối ưu quy trình vận hành (Process Optimization Advisor), một sản phẩm nằm trong gói dịch vụ tối ưu hiệu suất kết nối nhà máy (Connected Plant Service-CPS) của Honeywell. Đây là một công cụ giúp các nhà máy lọc dầu nâng cao sản lượng đầu ra nhiên liệu và tăng lợi nhuận hoạt động. Giải pháp này kết hợp luồng dữ liệu vận hành của nhà máy với mô hình quá trình và chuyên môn về tối ưu hóa của UOP để cung cấp những mục tiêu vận hành giúp nhà máy gia tăng sản lượng. Quá trình này sẽ được thực hiện nhiều lần mỗi ngày, giúp nhanh chóng đưa ra những thay đổi dựa trên những thay đổi về chất lượng và chủng loại của nguyên liệu đầu vào. Từ đó, CPS sẽ giúp nhà máy nhanh chóng điều chỉnh để luôn sẵn sàng cho những cơ hội mới của thị trường, cũng như chọn lựa cách xử lý tốt nhất đối với nguyên liệu thô sẵn có.

PV: Ông nói đây là một loại dịch vụ mới, vậy loại hình này đã được ứng dụng ở đâu và nền tảng công nghệ có điểm đặc biệt gì, thưa ông?

Ông Steven Eshelman: Công nghệ mới này của Honeywell được đón nhận rộng rãi và tích cực tại các nhà máy trên khắp thế giới - tại Bắc Mỹ, Trung Đông và cả châu Á. Điểm mới của dịch vụ này nằm ở chỗ chúng tôi ứng dụng những kiến thức được tổng hợp từ mô hình quá trình và chuyên môn về vận hành của UOP trong một dịch vụ dựa trên nền tảng Vạn vật kết nối Internet dành cho ngành công nghiệp (Industrial Internet of Things - IIoT) - sử dụng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo - giúp tạo nên một dịch vụ mang tính chuyên môn cao một cách thường xuyên và liên tục. Nó giống như việc một nhóm các chuyên gia luôn luôn nghiên cứu, hoạt động liên tục và đồng thời tại cơ sở sản xuất. Chính nhờ sự năng động này mà nó luôn học hỏi, thu nạp những kiến thức mới. Như vậy, khác với những hệ thống kiểu cũ sẽ dần tụt hậu theo thời gian, CPS sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn một khi được đưa vào vận hành.

PV: Theo ông, ý nghĩa kinh tế căn bản mà các dịch vụ hướng tới là gì?

Ông Steven Eshelman: Dịch vụ này giúp các nhà máy lọc dầu, nhà sản xuất hóa dầu và xử lý khí gaz cải thiện thời gian vận hành và độ tin cậy, cũng như tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị cao. CPS cũng giúp các đơn vị tối ưu hóa hoạt động và sớm phát hiện những vấn đề xảy ra trước khi việc xử lý trở nên khó khăn hay tiêu tốn nhiều tiền của. Chi phí xử lý các lỗi này có thể lên đến hàng chục triệu đôla Mỹ mỗi năm, bởi các điều kiện đầu vào và vận hành luôn thay đổi không ngừng. Hệ quả là, các nhà máy lọc dầu thường không nắm được đâu là điều kiện vận hành tối ưu đối với nhà máy của mình. Hiểu được điều đó, dịch vụ CPS có khả năng nâng cao hiệu suất tới vài phần trăm - một bước tiến đáng kể trong sản xuất.

PV: Honeywell UOP đã nhận được phản hồi như thế nào từ BSR sau khi đưa CPS vào ứng dụng?

Ông Steven Eshelman: Tính tới thời điểm này, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã và đang rất hài lòng với hiệu quả hoạt động của dịch vụ CPS. Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với công nghệ mới này. Đồng thời, CPS cũng giúp nâng cao năng lực và kiến thức cho nhân sự vận hành, hay nói cách khác, là khiến cho họ trở nên xuất sắc hơn ngay trong những việc họ đang làm.

Niềm tin đó hẳn phải dựa trên những nền tảng chắc chắn. Là nhà cung cấp dịch vụ uy tín trên thương trường quốc tế, Honeywell luôn đảm bảo thực hiện cam kết của mình và khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm.

PV: Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng ứng dụng CPS tại thị trường Việt Nam?

Ông Steven Eshelman: Honeywell rất quan tâm và thực sự hứng thú với những cơ hội và tiềm năng tại Việt Nam. Như các bạn có thể đã biết, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới tham gia ứng dụng dịch vụ CPS vào sản xuất. Điều này tạo tiền đề tốt đẹp cho các nhà máy lọc hóa dầu khác, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Lĩnh vực dầu khí là bước khởi đầu hợp lý khi Honeywell đưa dịch vụ tối ưu hiệu suất kết nối nhà máy tới Việt Nam, bởi tuy chiếm vai trò trọng yếu trong nền kinh tế Việt Nam, ngành công nghiệp này vẫn còn những tiềm năng khổng lồ chưa được khai thác. Cụ thể, Việt Nam hiện có trữ lượng dầu khoảng 4,4 tỉ thùng, đứng vị trí thứ ba về trữ lượng dầu thô ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù một lượng đáng kể trữ lượng ngoài khơi vẫn còn chưa được khai thác.

Bên cạnh đó, đây cũng là một khởi đầu rất tốt đẹp khi Honeywell UOP và nhánh giải pháp tự động hóa quá trình (Honeywell Process Solutions - HPS) trước đó đã xây dựng được uy tín, chuyên môn sâu sắc và những kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những công nghệ tinh lọc và xử lý dầu tiên tiến kết hợp với hệ thống kiểm soát tự động hóa toàn diện của chúng tôi sẽ giúp khách hàng trở thành đơn vị dẫn đầu về công nghiệp nhờ hiệu suất tốt và năng suất cao hơn.

PV: Honeywell UOP đã có những động thái nào để xúc tiến việc đưa CPS vào ngành công nghiệp lọc dầu và công nghiệp xử lý khí gas tại Việt Nam?

Ông Steven Eshelman: Chúng tôi luôn quan tâm tìm kiếm những cơ hội mà CPS có thể mang lại cho ngành công nghiệp xử lý hydrocarbon tại Việt Nam. Đồng thời, trong tương lai gần Honeywell UOP cũng mong muốn thúc đẩy dịch vụ tối ưu hiệu suất kết nối nhà máy rộng rãi hơn tại thị trường này, trong đó những ứng dụng tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là một ví dụ điển hình.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!