[In trang]
Quảng Bình: Nhiều ưu đãi cho mô hình trình diễn kỹ thuật
Thứ hai, 17/04/2017
Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật được đánh giá là nội dung đạt hiệu quả tốt của khuyến công Quảng Bình, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới nhằm cải thiện năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật được đánh giá là nội dung đạt hiệu quả tốt của khuyến công Quảng Bình, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới nhằm cải thiện năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy tốt hiệu quả

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (trung tâm) đã hỗ trợ xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trong đó có 6 mô hình được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 1 mô hình hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương.

Tiêu biểu, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH mộc mỹ nghệ Ngọc Thủy thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm thanh tựa ghế văn phòng xuất khẩu từ gỗ cao su. Mô hình có tổng kinh phí thực hiện 5,2 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 250 triệu đồng cho mua sắm thiết bị. Dây chuyền sản xuất với hệ thống lò sấy gỗ công suất 300.000 sản phẩm/năm đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận.

Trung tâm cũng đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu công nghiệp Trường Thành xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh. Hiện tại, mô hình đã hoàn thành và đưa vào vận hành đạt kết quả tốt với công suất dự kiến đạt 2.480m3 sản phẩm/năm, doanh thu đạt khoảng 26,7 tỷ đồng/năm. Mô hình cũng giải quyết đầu ra cho nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào ở địa phương, tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động nông thôn.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Quảng Bình, công tác hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp không ít cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, doanh thu từ đó tăng lên đáng kể. Kết quả này có được là do các đề án đều được thực hiện trên cơ sở khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng. Trung tâm luôn bám sát, định hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải, khai thác được lợi thế của địa phương. Các thiết bị, công nghệ được chuyển giao phù hợp với khả năng tiếp nhận, tránh lãng phí cho đối tượng thụ hưởng.

Nhiều chính sách hỗ trợ


Mặc dù nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp nhiều cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thay đổi diện mạo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nội dung này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nguồn vốn hỗ trợ quá ít so với tổng mức đầu tư của đối tượng thụ hưởng là trở ngại lớn nhất.

Để khắc phục một phần khó khăn này, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quy định về nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình. Theo đó, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới tối đa 30% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả để tổ chức, cá nhân khác học tập không quá 60 triệu đồng/mô hình.

Tuy nhiên, để nguồn kinh phí khuyến công thực sự phát huy tác dụng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật. Các đề án chỉ được ưu tiên hỗ trợ khi bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và dự kiến kết quả đạt được ưu việt hơn so với các đề án khác, có phương án kinh doanh hiệu quả và phù hợp với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ… nhằm hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển theo chiều sâu. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp mạnh, đủ năng lực làm đầu mối để cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, làng nghề và bảo đảm đầu ra cho hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề.

Các đề án khuyến công chỉ được ưu tiên hỗ trợ khi bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và dự kiến kết quả đạt được ưu việt hơn so với các đề án khác, có phương án kinh doanh hiệu quả và phù hợp với thực tế địa phương. 

Theo VFPRESS