[In trang]
Sản xuất tấm lợp không amiăng: Thành công từ nội lực
Thứ ba, 28/03/2017
Là vật liệu xây dựng có nhiều ưu thế nhưng cơ chế gây bệnh của amiăng đối với sức khỏe con người rất phức tạp và kéo dài. Vì vậy, việc đưa vào hoạt động dây chuyền tấm lợp không amiăng tại Công ty Cổ phần Nam Việt (Navifico) có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thành công của Việt Nam trong sản xuất hoàn toàn dựa trên công nghệ và thiết bị trong nước.

Là vật liệu xây dựng có nhiều ưu thế nhưng cơ chế gây bệnh của amiăng đối với sức khỏe con người rất phức tạp và kéo dài. Vì vậy, việc đưa vào hoạt động dây chuyền tấm lợp không amiăng tại Công ty Cổ phần Nam Việt (Navifico) có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thành công của Việt Nam trong sản xuất hoàn toàn dựa trên công nghệ và thiết bị trong nước.

Công nghệ nội

Dây chuyền sản xuất tấm tấm lợp không amiăng là sản phẩm trong đề tài KC 06 cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng năng suất 500.000m2/năm”, do Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ (Bộ Công Thương) và các cộng sự thực hiện.

Theo Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang, năm 2001, ông và các cộng sự bắt đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất này sau khi Quyết định 115/2001/QĐ – TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 được ban hành. Sau một thời gian nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đến năm 2007, dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng đầu tiên của Việt Nam đã được vận hành tại Công ty Tân Thuận Cường (TTC) – Hải Dương.

Trong những năm 2012 – 2014, thực hiện dự án cấp nhà nước KC.03.DA.03/11 -15 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiăng năng suất 3 triệu m2/năm” Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang và các cộng sự đã tiến hành sản xuất thử nghiệm. Năm 2014, chính thức chuyển đổi thành công dây chuyền sản xuất tấm lợp tại Công ty Navifico, đồng thời thực hiện đơn hàng đầu tiên xuất khẩu tấm lợp không amiăng sang thị trường Trung Đông (Ai Cập). Cũng trong năm 2014, Navifico và TTC đã xuất khẩu 270.000m2 tấm lợp NT (không amiăng) sang Ấn Độ. Từ năm 2014 đến nay, các nhà sản xuất Việt Nam đã liên kết hình thành thương hiệu sản phẩm không chứa amiăng như DURAGREEN, DURAFLEX và xuất khẩu sang một số thị trường: Hàn Quốc, châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á…

Thân thiện với môi trường

Thay vì sử dụng amiăng làm phụ gia, sản phẩm không chứa amiăng như DURAFLEX đã sử dụng cát và vôi nghiền siêu mịn. Các hạt nguyên liệu trong quá trình hấp tại nhiệt độ 2000C và áp suất 10Psi tại môi trường bảo hòa độ ẩm sẽ tạo ra các khoáng Calcium silicate có độ sít đặc cao, cường độ lớn giúp tấm tăng độ cứng, có khả năng chống thấm nước, vừa đáp ứng được độ cứng và bền của sản phẩm, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, sử dụng và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, các sản phẩm tấm phẳng DURAFLEX 100% không amiăng của Công ty Hiệp Phú (Tập đoàn Vĩnh Tường) với sản lượng hơn 10 triệu m2/năm, mở ra triển vọng mới cho xu hướng sản phẩm xi măng sợi thân thiện với môi trường.

Thống kê tại Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Tân Thuận Cường cho thấy, 75% nhu cầu về tấm lợp không amiang là trong các công trình công nghiệp; 10% phục vụ cho bán lẻ và 15% sử dụng cho các mục đích khác. Hàng năm, có hơn 2.000m2 tấm lợp loại này được sản xuất và đưa vào sử dụng, chất lượng đạt TCVN 4434:2000.

Nhận xét về dòng sản phẩm ưu việt này, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm tấm lợp không amiang có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Trên thực tế, người tiêu dùng loại sản phẩm này chủ yếu là người nghèo ở nông thôn. Việc loại bỏ chất độc hại trong tấm lợp giúp họ tránh được rủi ro về sức khỏe, có nhiều hơn những cơ hội thoát nghèo. Nhà nước, xã hội và người dân cũng giảm được một phần chi phí về y tế.

Điều quan trọng hơn nữa, nếu như ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng là một công nghệ xa vời thì Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ này. Chính những tiến bộ công nghệ đã làm cho giá thành sản phẩm không sử dụng amiăng trở nên cạnh tranh hơn trước.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ (Bộ Công Thương): Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu vật liệu, giải pháp công nghệ, thiết bị, mô hình sản xuất sản phẩm không amiăng trên quy mô công nghiệp. Nhiều nước trên thế giới như: Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Iran, Uzbekistan… đã học hỏi và áp dụng kinh nghiệm của Việt Nam.