[In trang]
Phải hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng
Thứ ba, 03/01/2017
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hện luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả diễn ra vào sáng ngày 16/12/2016

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hện luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả diễn ra vào sáng ngày 16/12/2016

Tham dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/1/2011 là đúng thời điểm, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới.

Lần đầu tiên ở nước ta có riêng một đạo luật thống nhất điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chính sách được ưu tiên, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá: Sau 5 năm triển khai, nhiều địa phương đã thực hiện tốt Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, tổ chức, cá nhân chưa thật sự nghiêm túc thực hiện và triển khai thi hành Luật. Tại một số nơi, nhận thức của doanh nghiệp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng còn hạn chế...

Chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng: Hiện còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước tại đại phương. Việc phối hợp giữa sở Công Thương và các sở ban ngành tại địa phương còn chưa tốt, còn lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật.

Thời gian ngắn tới, Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để đảm bảo nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã phê chuẩn về việc dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nên việc tìm ra các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề quan trọng và cấp bách.

Do đó, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp về việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu sửa đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ Xây dựng, GTVT, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/01/2017.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bên cạnh những công việc mà các Bộ, ngành cần thực hiện thì nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu phải làm sao hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.