[In trang]
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thời cơ phát triển mới
Thứ năm, 01/12/2016
Theo nhận định của các nhà khoa học, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang bắt đầu diễn ra dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh.

Theo nhận định của các nhà khoa học, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang bắt đầu diễn ra dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh.

Đứng trước vận thế này, nền kinh tế Việt Nam cần phải tận dụng thời cơ để chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức.

Xu thế tất yếu


Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra ở CHLB Đức năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover. Đến năm 2012, được sử dụng đặt tên cho một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức hợp tác với giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua “điện toán hóa”. Từ đó đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới để mô tả cuộc CMCN 4.0.

Theo một chuyên gia, CMCN 4.0 đã thúc đẩy mạnh hơn kinh tế thế giới chuyển mạnh sang kinh tế tri thức “thông minh”. Các thành tựu mới của khoa học – công nghệ đều được ứng dụng hội tụ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý, tiêu dùng như hạ tầng thông minh, xây dựng thông minh, dây chuyền thông minh, sản phẩm thông minh, quản trị thông minh… Nhiều nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên – lao động chi phí thấp sang dựa vào động lực chính là đổi mới công nghệ và sáng tạo.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ước tính ngành công nghiệp sáng tạo tại Mỹ đã đóng góp tới 6,4% GDP và là một ngành xuất khẩu hàng đầu. Ở châu Âu, công nghiệp sáng tạo chiếm 6,8% GDP và 6,5% lực lượng lao động. Mặc dù kinh tế khó khăn và trì trệ, song nhiều nước công nghiệp phát triển vẫn nỗ lực đầu tư cho nghiên cứu & triển khai (R&D) như: Phần Lan (3,84% GDP), Hàn Quốc (3,74% GDP), Thụy Điển (3,38% GDP), Nhật Bản (3,26% GDP)…

Lợi ích kinh tế từ CMCN 4.0 cũng có thể được nhìn thấy rõ với tiềm năng có thể thúc đẩy tăng năng suất các ngành công nghiệp. Theo tính toán của tập đoàn PwC, từ nay đến năm 2020, EU đầu tư khoảng 140 tỷ Euro/năm cho CMCN 4.0, riêng Đức đầu tư khoảng 40 tỷ Euro/năm. CMCN 4.0 hàng năm tạo thêm doanh thu 100 tỷ Euro cho các ngành công nghiệp ở EU và 30 tỷ Euro ở Đức.

Thách thức tăng năng suất tại Việt Nam

Theo đại diện của Bộ Ngoại giao, việc thế giới mới bắt đầu khởi phát CMCN 4.0 là cơ hội rất quý giá đối với Việt Nam để tiến thẳng vào các lĩnh vực công nghệ mới, tranh thủ thành tựu CMCN 4.0 nhằm đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tiềm năng phát triển của Việt Nam còn rất lớn, song thách thức lớn đặt ra là làm sao tranh thủ phát huy tối đa và hiệu quả CMCN 4.0. Điển hình là tiềm năng của con người Việt Nam rất lớn, trong đó có cơ cấu dân số trẻ. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, Việt Nam chỉ có thể duy trì cơ cấu dân số này trong khoảng 20 – 25 năm nữa. Nếu không có chiến lược phù hợp thông qua giáo dục – đào tạo, chuyển dịch cơ cấu, phát triển khoa học – công nghệ…, Việt Nam có thể bỏ lỡ “thời cơ vàng” của cơ cấu dân số trẻ. Khi đó, sức ép và thách thức đối với phát triển còn lớn hơn nhiều.

Theo một số chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn: Nguy cơ chưa giàu đã già; Ngày càng phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, trong khi nguồn lực này không “bám rễ” và chuyển hóa được thành năng lực nội sinh; Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không kiến tạo được thể chế “đủ mạnh” tạo sức bật cho nền kinh tế cất cánh.

GS. TS. Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM gợi ý, Việt Nam cần có những giải pháp để bắt kịp những cơ hội của CMCN 4.0 như: chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng và sáng tạo; hoàn thiện thể chế kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Cụ thể, cần tạo môi trường khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, thu hút nguồn vốn FDI về công nghệ cao, và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước theo hướng phân bổ nguồn lực nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao. Về ngắn hạn có thể tập trung vào cải tiến công nghệ sẵn có nhằm tăng năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm một cách nhanh chóng, từ đó tạo nguồn lực và động lực cho những hoạt động nghiên cứu và phát triển quy mô hơn.