[In trang]
Điện mặt trời tại Việt Nam (Phần 1): Tiềm năng và rào cản phát triển
Thứ tư, 30/11/2016
Với nguồn năng lượng được coi là vô tận từ mặt trời, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã và đang chú trọng phát triển điện mặt trời như một nguồn năng lượng tiềm năng để phục vụ nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Hiện tại, rào cản lớn nhất khiến điện mặt trời tại Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng là do thiếu chính sách đồng bộ, chiến lược tổng thể để khuyến khích đầu tư và phát triển.

Với nguồn năng lượng được coi là vô tận từ mặt trời, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã và đang chú trọng phát triển điện mặt trời như một nguồn năng lượng tiềm năng để phục vụ nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Hiện tại, rào cản lớn nhất khiến điện mặt trời tại Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng là do thiếu chính sách đồng bộ, chiến lược tổng thể để khuyến khích đầu tư và phát triển.

Tại Việt Nam, khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời nói chung và điện mặt trời nói riêng còn khiêm tốn. Chúng ta chưa tận dụng được nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có của đất nước như: Việt Nam là một trong những nước nằm trong giải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới. Theo nghiên cứu, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm là 1400- 3000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230-250 kcal/cm2. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam hiện nay lại chưa đáng kể. Phần lớn các dự án điện mặt trời trên cả nước ở quy mô nhỏ, chỉ khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời như sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và các loại hình dịch vụ sử dụng lượng điện năng nhỏ lẻ.

Chúng ta chưa phát huy được hết tiềm lực và năng lực của xã hội để phát triển điện mặt trời. Trong đó, sự đầu tư từ phía các doanh nghiệp tư nhân còn rất hạn chế cả trong nghiên cứu, ứng dụng hay thương mại. Tốc độ phát triển của thị trường điện mặt trời còn rất chậm. Thực tế cho thấy có rất nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách và quá trình thực hiện chính sách dẫn đến việc các doanh nghiệp tiên phong đầu tư cho điện mặt trời đang thật sự gặp khó khăn vì không tìm được đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm điện năng của mình.

Dù nhà nước đã có một vài chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển điện mặt trời nhưng các chính sách này vẫn chưa đầy đủ, thiếu sự gắn kết đồng bộ với chính sách phát triển các nguồn năng lượng – điện năng sạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nước ta vẫn còn thiếu các cơ chế khuyến khích hữu hiệu để phát triển sản xuất các thiết bị có thể ứng dụng, sử dụng điện mặt trời. Phần lớn các thiết bị hay công nghệ điện mặt trời đều được nhập từ nước ngoài làm đội lên chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt tạo nên khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi giá điện mặt trời trên thế giới đã giảm xuống rất mạnh trong những năm gần đây, chi phí đầu tư của điện mặt trời tại Việt Nam còn rất cao và Chính phủ chưa ban hành giá bán điện sử dụng năng lượng mặt trời. Điều này làm giảm sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư.

Bên cạch sự thiếu hụt các chính sách đầu tư và phát triển, nước ta cũng chưa có những chính sách để khuyến khích những nhân lực có trình độ cao phục vụ lĩnh vực công nghiệp mới - điện mặt trời như: Kỹ sư thiết kế hệ thống, thi công lắp đặt, sửa chữa bảo trì, quản lý vận hành,… Hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời hoàn toàn chưa được hình thành dẫn đến nguồn nhân lực chuyên môn hoạt động trong ngành kinh doanh điện mặt trời bị thiếu hụt trầm trọng.

Như vậy, để có thể vượt qua những rào cản và phát huy tốt nhất tiềm năng điện mặt trời tại nước ta, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao để có chiến lược tổng thể và khuyến khích phát triển hiệu quả điện mặt trời trên cả nước?

Link bài liên quan: Điện mặt trời tại Việt Nam (Phần 2)

Văn phòng CPSI