[In trang]
Supe Lâm Thao: Nghiên cứu thành công thiết kế, chế tạo và đầu tư hệ thống máy làm tơi sản phẩm
Thứ sáu, 13/11/2015
Ngoài việc duy trì hệ thống quản lý ISO 9001:2008, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao còn áp dụng nhiều giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và sáng kiến, cải tiến để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao.

Ngoài việc duy trì hệ thống quản lý ISO 9001:2008, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao còn áp dụng nhiều giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và sáng kiến, cải tiến để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao.

Phong trào phát huy ý tưởng sáng tạo, sáng kiến, cải tiến của Công ty được đẩy mạnh. Năm 2014, Công ty đã xét thưởng cho 290 đề tài, sáng kiến của 698 tác giả với tổng giá trị làm lợi trên 188 tỷ đồng, 11 đồng chí được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo, 94 đồng chí được nhận Danh hiệu Lao động sáng tạo của Tổng giám đốc Công ty. Những sáng kiến, đề tài Công ty áp dụng đều xuất phát từ những yêu cầu thực tế nên đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong quá trình sản xuất; khai thác tiềm năng và sử dụng có hiệu quả máy móc thiết bị, vật tư, gắn với đổi mới công nghệ, thiết bị; không ngừng cải tiến, đổi mới trong công tác quản lý để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một sáng kiến tiêu biểu, mang lại hiệu quả lớn và có nhiều ý nghĩa trong sản xuất, kinh doanh, đó là: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đầu tư hệ thống máy làm tơi sản phẩm”.

Trong thực tế sản xuất và tiêu thụ phân bón, việc sản phẩm đóng cứng, kết khối gây ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng, hình thức ngoại quan và tính thuận lợi trong sử dụng, nhất là đối với phân bón dạng hạt là loại có nhiều ưu điểm trong các quá trình cơ giới hoá trên đồng ruộng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển, xếp lưu kho và làm cho bao bì dễ bị rách vỡ.

Trong những năm qua, Supe Lâm Thao đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế hiện tượng "kết khối" sản phẩm phân bón, cụ thể như: sấy khô sản phẩm, sàng cỡ hạt tương đối đồng đều, làm nguội sản phẩm tốt hơn, sử dụng bột talk để ngăn cách bề mặt tiếp xúc các hạt NPK, ngăn phản ứng trên bề mặt tiếp xúc gây đóng tảng, kết khối NPK; sử dụng bao PP tráng thay thế cho bao bì PP thường để giảm quá trình hút ẩm. Nghiên cứu thay thế một phần đạm Amôni sunphát bằng đạm Ure với tỷ lệ phù hợp để giảm tính đóng cứng; Thay thế một phần supe lân trong phối liệu sản xuất NPK bằng lân nung chảy, làm giảm độ a xít, giảm tính kết tảng của sản phẩm; Sử dụng dung dịch Urê bão hòa ở nhiệt độ cao để tạo màng áo bao cho các hạt sản phẩm, hạn chế hiện tượng kết tảng ngay từ giai đoạn đầu.

Thậm chí, các Công ty BEHN MEYER Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ hoá chất - TP. Hồ Chí Minh đã chào hàng và thử nghiệm một số loại hóa chất nguồn gốc nước ngoài và đã được áp dụng ở một số nơi để chống kết khối, đóng tảng sản phẩm. Các công ty này sử dụng các hóa chất như Sokalan AC xuất xứ CHLB Đức, Indocoat NR12. Khi sử dụng Indocoat NR12 có cải thiện được việc kết khối, đóng tảng sản phẩm, nhưng lại làm thay đổi tính chất vật lý của sản phẩm: thay đổi màu sắc sản phẩm, giảm cường độ hạt sản phẩm nên không áp dụng được. Khi sử dụng Sokalan AC hiện tượng kết khối đóng tảng đã được cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. Hơn nữa đây là hóa chất nhập khẩu nên có giá rất cao (3.656 USD/tấn, định mức sử dụng là 3 kg/tấn sản phẩm), nên Công ty cũng không thể áp dụng được do chi phí sản xuất tăng lớn.

Với tất cả các giải pháp trên, khi xếp lưu kho hoặc khi xuất bán ra thị trường, để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng đều phải qua công đoạn lăn vần đập. Công đoạn vần đập trong quá trình xếp lưu kho và khi xuất bán thực hiện hoàn toàn thủ công. Có những giai đoạn vào thời vụ, khối lượng sản phẩm xuất bán lớn, Công ty không đủ nhân lực để bốc xếp nên còn phải thuê lao động thời vụ của địa phương. Việc quản lý và giám sát quy trình lăn vần đập gặp nhiều khó khăn, không kiểm soát được chất lượng lăn vần đập, dẫn đến nhiều bao sản phẩm còn bị kết khối vẫn được đưa ra thị trường để tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty và phát sinh thêm chi phí xử lý. Người lao động làm việc nặng nhọc vất vả.

Để khắc phục những tồn tại và nhược điểm của công đoạn lăn vần đập thủ công, Công ty đã tiến hành nghiên cứu nguyên lý làm việc, thiết kế và chế tạo lắp đặt máy làm tơi sản phẩm đã đóng bao với yêu cầu như sau: Năng suất vận hành: 30 tấn/h, áp dụng cho các loại bao sản phẩm khối lượng 25 kg/bao và 50 kg/bao; Sau khi vần đập, kích thước NPK trong bao sản phẩm đạt yêu cầu mà bao không rách vỡ; Dễ vận hành, gọn nhẹ, dễ di chuyển.

Sau nhiều tháng nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, hiệu chỉnh, các tác giả đã cho ra đời chiếc máy đạt yêu cầu với thiết kế độc đáo. Sau khi lắp đặt đưa vào sử dụng hiệu quả, Công ty đã và đang trang bị đủ số lượng máy để tất cả 100% các sản phẩm NPK khi xuất bán lên phương tiện vận chuyển đều được lăn vần đập qua máy. Đảm bảo chấm dứt việc sản phẩm ra khỏi Công ty đến tay người tiêu dùng còn bị kết khối, kết tảng, vón cục.

Với sáng kiến này, Công ty đã kiểm soát triệt để công đoạn lăn vần đập trước khi xuất bán sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm (độ tơi, rời) khi bán ra thị trường, thuận tiện cho công tác quản lý sản xuất và quản lý về chất lượng. Đồng thời, tăng được thể tích xếp bao sản phẩm trên phương tiện vận chuyển và tại các kho chứa, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Phó Tổng giám đốc Công ty Văn Khắc Minh cho biết, sau khi tính toán, giá trị làm lợi so với việc sử dụng sản phẩm hóa chất Sokolan AC làm phụ gia chống kết khối sản phẩm NPK (chỉ tính cho riêng loại sản phẩm NPK 5.10.3) là 112 tỷ đồng. Đây là một sáng kiến có giá trị làm lợi rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng doanh thu của Công ty trong năm 2014 và đang tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2015.