Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực bền bỉ và không ngừng vươn lên của các thế hệ cán bộ nhân viên, Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu đã có những bước phát triển vượt bậc.
Trưởng thành từ gian khó
Thực hiện Quyết định số 305/QĐBT ngày 16/11/1964 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ về việc xây dựng và thành lập Nhà máy mỳ bánh Hải Châu trên khu đất phía nam của TP. Hà Nội, ngay từ cuối năm 1964, trên khu đất hoang hóa còn bỏ ngỏ rộng hơn 20.000 m2 chưa có đường đi vào đã được đặt những viên gạch đầu tiên để hình thành nhà máy. Con đường vào khu sản xuất chính đã được mang tên nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi.
Vừa được thành lập thì cũng là lúc đế quốc Mỹ bắt đầu dùng máy bay, tàu chiến điên cuồng bắn phá miền Bắc. Nhà máy mỳ bánh Hải Châu có nhiệm vụ chế biến lương thực- thực phẩm, mỳ sợi và bánh kẹo phục vụ nhân dân và quốc phòng, đồng thời chi viện cho tiền tuyến. Ban đầu, đội ngũ CBCNVC nhà máy chỉ trên 200 người, gồm: 116 công nhân làm việc tại Phân xưởng mỳ sợi và 95 công nhân làm việc tại Phân xưởng kẹo. Những năm 60 của thế kỷ trước, sản phẩm mỳ, bánh kẹo Hải Châu đã có mặt khắp nơi, những thỏi lương khô quy ép của Nhà máy Hải Châu luôn có trong ba lô người chiến sỹ vượt Trường Sơn lên đường ra mặt trận.
Giai đoạn 1965 -1975 Đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Nhà máy Hải Châu đã kiên cường sản xuất và chiến đấu. Trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, lực lượng tự vệ và đơn vị pháo 37 ly của Nhà máy Hải Châu đã góp phần vào chiến công chung của TP. Hà Nội, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.
Sau ngày đất nước giải phóng, Nhà máy mỳ bánh Hải Châu đứng trước những vận hội và thách thức mới. Đã có lúc các sản phẩm của Hải Châu không đủ sức cạnh tranh trên thị trường do thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, hạ tầng xuống cấp, đặc biệt là nguồn bột mỳ- nguyên liệu chính đã không còn sự viện trợ như trước đây… Nhà máy sản xuất cầm chừng, chỉ Phân xưởng Bánh quy còn hoạt động liên tục. Người công nhân phải sang Nhà máy đồ hộp xuất khẩu để gọt chanh, gọt dứa, lên Nông trường Thanh Sơn làm chè… Một số lao động được điều chuyển sang Nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Những người ở lại không có việc làm, phải đi đóng gạch xỉ, những chuyến ôtô chở nguyên liệu về nhà máy phải có người bao vệ để tránh bị cướp hàng…
Mạnh dạn đầu tư tăng sức cạnh tranh
Giai đoạn 1986 – 2004 là thời kỳ đổi mới của cả nước. Các doanh nghiệp nói chung và Hải Châu nói riêng đứng trước những thách thức vô cùng gay gắt. Tháng 4/1994, Nhà máy Hải Châu được đổi tên thành Công ty Bánh kẹo Hải Châu. Công ty đã mạnh dạn đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại cho ra các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường. Với sự quyết liệt và mạnh dạn đầu tư, Hải Châu đã dần hồi phục sức sản xuất và nâng cao doanh thu, cạnh tranh được trong cơ chế thị trường.
Giai đoạn 2005 – 2015 đánh dấu sự đổi mới toàn diện và phát triển vượt bậc của Công ty Bánh kẹo Hải Châu khi chuyển thành Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng.
Sang công ty cổ phần, Hải Châu đứng trước vô vàn khó khăn do những tồn tại của doanh nghiệp nhà nước để lại, vốn cho hoạt động SX-KD thiếu trầm trọng; vật tư, bao bì, hàng hóa tồn kho lâu ngày; thiết bị máy móc khai thác không hiệu quả. Trong khi đó, sản phẩm Hải Châu không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm trong nước mà còn phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã.
Để tăng sức cạnh tranh, Hải Châu đã rà soát, đánh giá lại thực trạng nhà máy, kiên quyết loại bỏ các dây chuyền thiết bị, công nghệ lạc hậu. Tập trung đầu tư chiều sâu đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa kỹ thuật công nghệ, nâng cấp sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Cùng với đó, Hải Châu thực hiện chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, SS, GM, HACCP..., thực hiện công tác mã số, mã vạch để nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Hải Châu cũng đã mạnh dạn đầu tư cho công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhằm tăng cường công cụ quản lý hiện đại. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường, hình thành bộ phận thiết kế mẫu chuyên nghiệp và bộ phận chuyên nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó là các giải pháp về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng cho đủ vốn điều lệ là 30 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động năm 2008; cuối năm 2009 và đầu năm 2010 phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 45 tỷ đồng; năm 2010 tiếp tục phát hành tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng. Năm 2014 tiếp tục phát hành tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng.
Đặc biệt, một chủ trương quyết sách lớn đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho Hải Châu, đó là quyết định đầu tư xây dựng nhà máy mới tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngày 13/11/2007, Công ty CP bánh kẹo Hải Châu đã khởi công xây dựng Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu. Dự án đầu tư xây dựng nhà may tại Hưng Yên được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, xây dựng từng nhà xưởng và chuyển từng dây chuyền, nhằm giảm thiểu thời gian gián đoạn về sản xuất. Ngày 2/9/2010, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu khánh thành đúng ngày kỷ niệm 45 năm thành lập.
Cùng với tăng cường sản xuất, Hải Châu đã từng bước triển khai xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm tại các vùng, miền trên cả nước: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Dương, Việt Trì và Hà Nam. Hệ thống tiêu thụ sản phẩm Hải Châu được mở rộng, hoạt động kinh doanh có lãi, doanh thu liên tục tăng trưởng bình quân trên 15%/năm.
Theo ông Nguyễn Đình Khiêm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu- việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, đổi mới toàn diện và phát triển vượt bậc trong chặng đường 50 năm phát triển của công ty. Thành quả này là bước tạo đà cho Hải Châu bước vào hội nhập kinh tế, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới với một quyết tâm cao.
50 năm xây dựng và phát triển, với những nỗ lực không mệt mỏi, Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba, cùng nhiều phần thưởng của các bộ, ngành. |