[In trang]
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn khuyến công tại đồng bằng sông Cửu Long
Thứ ba, 25/08/2015
Nguồn vốn khuyến công chủ yếu mang tính chất hỗ trợ, vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này rất cần sự linh hoạt của địa phương tiếp nhận.

Nguồn vốn khuyến công chủ yếu mang tính chất hỗ trợ, vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này rất cần sự linh hoạt của địa phương tiếp nhận.

Theo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đầu tư thực hiện các đề án khuyến công có ý nghĩa rất lớn trong mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai những đề án nói trên thì các địa phương đã gặp phải không ít khó khăn mà chủ yếu là do thiếu kinh phí thực hiện. Cụ thể, nguồn vốn khuyến công cho các địa phương mỗi năm chỉ vài tỷ đồng và chủ yếu là mang tính chất hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, các địa phương đã linh hoạt xác định những đề án khuyến công thiết thực để đầu tư, phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

Công ty cổ phần Cơ khí Kiên Giang đầu tư mua chiếc máy cắt plasma CNC trị giá gần 200 triệu đồng. Điều đáng nói kinh phí để mua chiếc máy này là do Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ hoàn toàn. Đại diện Công ty cổ phần Cơ khí Kiên Giang cho biết, việc đầu tư này có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng đúng với nhu cầu, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của đơn vị. Bởi trước đây, khi chưa có chiếc máy này, hoạt động sản xuất của công ty chỉ có thể cắt, gọt,... các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp có cấu hình đơn giản, năng suất thấp, nhưng hiện nay thì lại khác. Chiếc máy cắt này có thể làm thay thế 5 lao động. Nó không làm biến dạng sản phẩm khi cắt nên tiết kiệm vật liệu gần như tuyệt đối, v.v... Nhờ máy cắt này mà công ty có thể làm ra những sản phẩm phụ trợ rất đa dạng để cạnh tranh cả vùng ĐBSCL.

Với các tính năng hiện đại, chiếc máy cắt plasma CNC có thể giúp gia tăng hiệu quả kinh tế gấp từ 3 lần so với các thiết bị cắt, gọt truyền thống. Tuy nhiên, để đầu tư chuyển đổi công nghệ này không dễ dàng chút nào, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thiếu nguồn vốn sản xuất. Do đó, chính sách khuyến công được triển khai kịp thời, nhắm đúng vào các đối tượng nói trên sẽ tạo nên cú huých quan trọng thúc đẩy cho lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương ngày càng phát triển. Thực tế, không chỉ có đơn vị sản xuất, mà các doanh nghiệp dùng những sản phẩm nông nghiệp phụ trợ cũng được hưởng lợi từ chính sách khuyến công của địa phương. Cụ thể, tại các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo, lâu nay, phần lớn phải nhập khẩu gần như hoàn toàn các thiết bị nói trên. Tuy nhiên, hiện các đơn vị này dễ dàng đặt hàng, mua và sử dụng các sản phẩm nông nghiệp phụ trợ ngay tại địa phương với chất lượng và giá thành tốt nhất.

“Yếu tố công nghệ nó quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế sản xuất của các doanh nghiệp. Chính điều đó, mà ngay từ đầu năm thì Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ cho Trung tâm khuyến công 01 tỷ đồng, nguồn kinh phí này chúng tôi sẽ ưu tiên và tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi công nghệ mới”, ông Võ Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang cho biết.

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn khuyến công, đi đôi với việc đầu tư chuyển đổi công nghệ cho doanh nghiệp, các địa phương tại ĐBSCL còn tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng lao động, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Ông Trần Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bạc Liêu cho biết: Các doanh nghiệp cần đào tạo gì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ người, kinh phí để đào tạo. Ngoài ra, chúng tôi không ngừng liên kết với Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh để tham gia các hội chợ, thương mại làm sao giới thiệu và tạo đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp tỉnh.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, dù nguồn vốn khuyến công rất ít, nhưng các địa phương vẫn sử dụng hiệu quả. Thể hiện rõ nhất là chất lượng sản phẩm của lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không ngừng nâng lên, giá trị của sản phẩm tăng cao, đời sống kinh tế của người lao động cũng từng bước được cải thiện.

Hằng năm, kinh phí cấp cho chương trình khuyến công tại mỗi địa phương của ĐBSCL chỉ từ 1 – 2 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thực tế cần gấp 2- 3 lần nguồn vốn này. Vì thế, địa phương chủ động rà soát, bám sát các dự án khuyến công trọng điểm để tập trung đầu tư, hỗ trợ kịp thời là việc làm rất cần thiết. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn khuyến công, mà còn vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần đảm bảo mục tiêu về kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng.