[In trang]
Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam
Thứ sáu, 14/08/2015
Ngày 12/8/2015, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo giới thiệu các hoạt động của Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2.

Ngày 12/8/2015, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo giới thiệu các hoạt động của Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Giám đốc Quốc gia Dự án Trần Duy Đông cho biết, “KCN sinh thái là mô hình mới, lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Dự án sẽ từng bước chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái thông qua các hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại…

Với cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến và các nguồn tài chính ưu đãi… Dự án hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả”.

Theo Báo cáo kết quả đánh giá sơ bộ của Dự án thực hiện đầu tháng 7/2015 tại 16 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 cho thấy, hầu hết các Công ty khảo sát đều có tiềm năng thực hiện chuyển đổi. Với mức tiết kiệm điện từ 5 - 30%, nước từ 5 - 20%, nếu thực hiện chuyển đổi thành công, các doanh nghiệp được hưởng lợi đáng kể thông qua cắt giảm chi phí sản xuất và qua đó cải thiện đáng kể năng lực canh tranh.

Là 1 trong 3 tỉnh/thành phố tham gia Dự án, ông Trần Minh Kiệt, Phó Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ chia sẻ, đây là cơ hội rất tốt để Thành phố tăng cường ứng dụng và phổ biến công nghiệp cũng như phương thức sản xuất sạch hơn để giảm ô nhiễm môi trường. Chúng tôi mong muốn thông qua Dự án này, nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tìm thấy cơ hội đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Cần Thơ.

Chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia, ông Heinz Leuenber, Cố vấn trưởng của Dự án đã nêu hàng loạt các ví dụ cụ thể thông qua các hoạt động sản xuất sạch ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngành đúc, thép, vải sợi…ở các nước trên thế giới. Thông qua đó giúp các doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm cũng như quyền lợi tham gia Dự án nhằm mục tiêu hướng tới phát triển bền vững.

Phần giới thiệu được các đại biểu khá quan tâm và dành nhiều câu hỏi thảo luận, đó là cơ chế tài chính xanh cho các hoạt động đầu tư công nghệ sạch và phát thải ít các bon dành cho doanh nghiệp trong KCN. Theo đó, có 4 đối tác tham gia tài trợ vốn ưu đãi gồm Quỹ ủy thác tín dụng xanh, Quỹ BVMT Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Với cơ chế hỗ trợ của Dự án sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản chi phí để đầu tư cho sản xuất và cải thiện công nghệ. Đây là lợi thế nổi trội mà các doanh nghiệp tham gia Dự án được tiếp cận.

Có thể nói, chuyển đổi mô hình KCN theo hướng phát triển KCN sinh thái, bền vững về môi trường và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng đang là xu hướng chung trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2014 với tổng số vốn viện trợ không hoàn lại là 4.554.000 USD từ Quỹ môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ và UNIDO. Mục tiêu Dự án nhằm tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN Việt Nam. Dự án được thực hiện thí điểm trong 36 tháng tại các tỉnh, thành phố: Ninh Bình (KCN Khánh Phú), Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh), Cần Thơ (KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2).

Dự án được thiết kế nhằm tạo ảnh hưởng lâu dài bằng việc xúc tiến các phương pháp sản xuất công nghiệp toàn diện và bền vững trong các KCN thông qua hợp tác giữa các công ty trong các lĩnh vực như cải tiến các hệ thống năng lượng, quản lý chất thải, giảm lưu lượng nước, quản lý KCN và hài hòa với cộng đồng tại địa phương có KCN. Dự án được cơ cấu thành 5 hợp phần chính, dự kiến đạt được kết quả gồm: Thông qua các chính sách và quy định đáp ứng tiêu chí của KCN sinh thái trong nhiều lĩnh vực liên quan; tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN ở Trung ương và địa phương; nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít các bon, phương thức sản xuất an toàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và doanh nghiệp trong KCN; xác định, hỗ trợ về kỹ thuật và tiếp cận tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các doanh nghiệp tại các KCN thực hiện thí điểm; triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái.

Các kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.