Ngành than: Ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào khai thác
Thứ ba, 22/11/2016
Theo Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Ngọc Cơ. Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện các công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác hầm lò, sử dụng rộng rãi các công nghệ chống vì neo bê-tông cốt thép, neo dẻo cốt thép, bê-tông phun trong các đường lò. Với khâu sàng tuyển, chế biến than, Tập đoàn sẽ áp dụng công nghệ mới, tự động hóa tối đa các công đoạn để giảm ô nhiễm môi trường và khâu lao động nặng nhọc cho công nhân.
Theo Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Ngọc Cơ. Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện các công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác hầm lò, sử dụng rộng rãi các công nghệ chống vì neo bê-tông cốt thép, neo dẻo cốt thép, bê-tông phun trong các đường lò. Với khâu sàng tuyển, chế biến than, Tập đoàn sẽ áp dụng công nghệ mới, tự động hóa tối đa các công đoạn để giảm ô nhiễm môi trường và khâu lao động nặng nhọc cho công nhân.
Trong thời gian vừa qua, ngành than đã hoàn thành công trình trọng điểm– hệ thống băng tải than Lép Mỹ - cảng Km 6 (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Công trình có mức đầu tư 651 tỷ đồng, công suất 720 tấn/giờ với chiều dài toàn tuyến hơn 4,5 km. Nhờ hệ thống băng tải, ngành than đã thay thế được 300 lượt xe ô-tô loại trọng tải 20 tấn, giảm bụi, than rơi vãi. TKV cũng đưa vào sử dụng công trình Nhà máy sàng - tuyển than Lép Mỹ hiện đại, tốn ít nhân công, năng suất cao với mức đầu tư hơn 870 tỷ đồng, công suất 2,5 triệu tấn/năm.
Hiện tại, ngành than đang tập trung đẩy nhanh tiến bộ xây dựng các mỏ Khe Chàm II-IV, mỏ hầm lò Núi Béo. Dự án mỏ Khe Chàm II-IV với công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, mỏ được thiết kế theo tiêu chí “Mỏ sạch, ít người - an toàn - hiện đại - tiết kiệm tài nguyên - sản lượng cao” đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Những năm qua, các đơn vị ngành than đã đổi mới toàn diện, hiện đại hóa các khâu trong quá trình khai thác than hầm lò. Trước đây, ngành than sử dụng chống giữ lò bằng gỗ. Hiện lò chợ của các mỏ đều áp dụng công nghệ chống giữ lò bằng khung, giá thủy lực, vận chuyển than bằng hệ thống băng tải, các thiết bị bốc xúc đều được cơ giới hóa như máy đào lò AM-50Z, khoan tự hành Tam-rốc,…
Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, ngành than sẽ đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ; đầu tư xây mới 41 dự án mỏ theo lộ trình, tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 dự kiến hơn 269 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường tư vấn, nghiên cứu hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò; đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa nhằm nâng cao mức độ bảo đảm an toàn lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong tương lai, ngành than sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than, trước mắt là công nghệ khai thác dưới mức âm 300 m bể than Quảng Ninh và bể than sông Hồng.
Văn phòng CPSI