[In trang]
Hà Nội: Phát triển khu, cụm công nghiệp công nghệ cao
Thứ ba, 22/11/2016
Hiện nay, một trong những ưu tiên của Tp. Hà Nội phát triển các khu, cụm công nghiệp, chế xuất công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Hiện nay, một trong những ưu tiên của Tp. Hà Nội phát triển các khu, cụm công nghiệp, chế xuất công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN, khu chế xuất của Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Hiện có trên 550 dự án đầu tư tại các KCN Hà Nội đi vào hoạt động đạt hiệu quả, giá trị doanh thu trong sản xuất, công nghiệp bình quân đạt 5,1 tỷ USD/năm, giải quyết việc làm mỗi năm từ 7.000-10.000 lao động. 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (BQL), hiện thành phố đã và đang phát triển 19 khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC) với tổng diện tích gần 4.100 ha. Trong đó, thành phố đang triển khai xây dựng 3  khu CNC, cùng với đó là 110 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch hơn 3.000 ha. Trong tương lai, Hà Nội sẽ phát triển các KCN mới theo hướng dịch vụ công nghệ thông tin, CNC công nghệ sinh học. Đối với các KCN mới thành lập, yêu cầu phải đồng bộ và có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi chính thức đi vào hoạt động, đồng thời thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động, các dự án thân thiện môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh lớn; tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp.

Nhằm thu hút các dự án đầu tư vào KCN cũng như đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Hỗ trợ toàn bộ đường ngoài hàng rào KCN bằng nguồn ngân sách thành phố; hỗ trợ điện nước đến chân hàng rào KCN và đấu nối tới từng doanh nghiệp... UBND TP. Hà Nội cũng giao cho BQL là đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các KCN. 

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các KCN, khu chế xuất; tạo điều kiện mở rộng thị trường, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI trong các KCN Hà Nội với doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người lao động nhằm phát triển bền vững các KCN.

Văn phòng CPSI