[In trang]
Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo
Thứ ba, 22/11/2016
Thực tế cho thấy, đóng góp của công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo cho ngành công nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Hàng năm, Việt Nam phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu các linh kiện, máy móc, thiết bị, mà theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, đóng góp của công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo cho ngành công nghiệp Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Hàng năm, Việt Nam phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu các linh kiện, máy móc, thiết bị, mà theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê, trong 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì doanh nghiệp CNHT chỉ chiếm 0,03%. Hầu hết các nguyên vật liệu cho CN chế tạo phụ tùng, thiết bị phụ trợ đều phải nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa trong CKCT ô tô mới chỉ từ 5-20%, da giày dệt may khoảng 30%, công nghệ cao chế tạo từ 10-20%. Trong khi đó, chỉ tính riêng ngành CKCT, trong giai đoạn 2011-2025 nhu cầu về máy và thiết bị đã xấp xỉ 250 tỷ USD.

Để giúp ngành CNHT và CKCT phát triển đúng tiềm năng trong thời gian tới, đã có một số giải pháp và đề xuất được đưa ra, bao gồm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Viêt Nam, đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ và phát triển công nghệ, tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.  

PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.03/11-15 cho biết: “Để phát triển ngành này trong thời gian tới, quan trọng nhất là định hướng thị trường. Khi xây dựng chiến lược phát triển, ban chủ nhiệm Chương trình phải nghiên cứu quy hoạch chiến lược của từng ngành để biết họ sẽ phát triển cái gì mà xây dựng nhiệm vụ theo cái đó. Nếu xây dựng kế hoạch theo đề xuất của các nhà khoa học sẽ sinh ra kết quả như thời gian vừa rồi, sản phẩm có thay đổi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng: “Việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xung quanh 2 lĩnh vực là CNHT và CKCT là lĩnh vực rất rộng lớn. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và sẽ có định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Những sự chỉ đạo đó sẽ được thể hiện bằng nhiều cách, bằng luật, hoặc sự điều chỉnh của văn bản dưới luật, hoặc sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, tính nhất quan xuyên suốt vẫn sẽ được xem xét thận trọng”.

“Với Quyết định 1791 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025, 11 gói công trình đã được giao cho các nhà thầu là người Việt Nam. Thời gian qua, các nhà thầu này đã làm và chứng minh được hiệu quả. Vì thế hiện nay, những công trình lớn, cái gì sản xuất được trong nước, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngọc Anh nói.

Văn phòng CPSI