[In trang]
Cách mới để tái chế nhựa thải thành nhiên liệu
Thứ ba, 22/11/2016
Một cách thức mới để tái chế hàng triệu tấn rác thải nhựa thành nhiên liệu lỏng đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Irvine và Viện Hóa học hữu cơ Thượng Hải (SIOC) tại Trung Quốc giới thiệu.

Một cách thức mới để tái chế hàng triệu tấn rác thải nhựa thành nhiên liệu lỏng đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Irvine và Viện Hóa học hữu cơ Thượng Hải (SIOC) tại Trung Quốc giới thiệu.

"Nhựa tổng hợp là một phần cơ bản của cuộc sống hiện đại, tuy nhiên, chúng ta hiện đang sử dụng khối lượng nhựa rất lớn, làm gia tăng các vấn đề môi trường nghiêm trọng," nhà hóa học Zhibin Guan cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là thông qua nghiên cứu này để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa cũng như tạo ra một nguồn nhiên liệu lỏng mới".

Guan và Zheng Huang- cộng sự của ông tại Viện Hóa học hữu cơ Thượng Hải SIOC, cùng với các đồng nghiệp của họ đã tìm ra cách để phá vỡ các liên kết mạnh mẽ của polyethylene, một dạng nhựa thương mại phổ biến nhất được sử dụng để làm tất cả mọi thứ từ phim nhựa, bao bì thực phẩm, chai nuớc đến cả túi nhựa đựng đồ. Sáng tạo kỹ thuật của họ tập trung vào việc sử dụng ankan, một loại phân tử hydrocarbon cụ thể để phân giải và tách các phân tử polymer thành các hợp chất hữu ích khác. Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố gần đây trên tạp chí Science Advances.

Các nhà khoa học đã và đang tìm cách tái chế túi nhựa, chai nhựa và rác thải nhân tạo khác với các phương pháp ít độc hại hoặc tiêu tốn ít năng lượng hơn. Hiện nay, các phương pháp tiếp cận chủ yếu bao gồm: sử dụng hóa chất ăn da hoặc làm nóng các vật liệu lên đến trên 700 độ F để phá vỡ các liên kết hóa học của polyme. “Khi làm nóng chúng ở mức trên 700 độ F, các liên kết bị sụp đổ dẫn đến tạo thành nhiều hợp chất khác nhau như khí độc, dầu, than tro và một loại chất sáp", Zhibin Guan giải thích.

Trong kỹ thuật mới được phát hiện này, nhóm nghiên cứu làm cho chất dẻo trở nên ôn hoà hơn và hiệu quả hơn thông qua một quá trình được gọi là Hoán đổi chéo ankan. Các chất cần để sử dụng trong phương pháp mới là sản phẩm phụ của quá trình lọc dầu, đây đều là những nguyên liệu có sẵn.

Guan cho biết nhóm hợp tác nghiên cứu giữa hai quốc gia Mỹ-Trung Quốc vẫn đang giải quyết một số vấn đề còn tồn tại để làm cho phương pháp mới ngày càng hiệu quả hơn. Các vấn đề cần giải quyết bao gồm: gia tăng các hoạt động xúc tác và thời gian; giảm chi phí; và phát triển các quá trình xúc tác để biến rác thải nhựa thành một nguồn tài nguyên quý giá.

Văn phòng CPSI dịch