[In trang]
Phát triển công nghiệp cơ khí tại Hưng Yên
Thứ tư, 02/11/2016
Giai đoạn 2011-2015, ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại của Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,7%/năm. Ngành cơ khí Hưng Yên hiện tập trung vào cơ khí xây dựng, ô tô, xe máy, tiêu dùng…và được xác định là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2011-2015, ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại của Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,7%/năm. Ngành cơ khí Hưng Yên hiện tập trung vào cơ khí xây dựng, ô tô, xe máy, tiêu dùng…và được xác định là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí xây dựng, tiêu biểu là các công ty sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH thép Việt Ý. Lĩnh vực cơ khí điện gồm các doanh nghiệp chuyên sản xuất máy biến áp như Công ty cổ phần chế tạo máy biến áp MiBA, với các sản phẩm như máy biến áp trung gian công suất đến 16.000 KVA, máy biến áp 3 pha công suất đến 35.000 KVA và một số sản phẩm phục vụ cho ngành điện. Về lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô có một số doanh nghiệp nổi bật như: Công ty TNHH SUFAT Việt Nam, Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech, Công ty cổ phần ô tô TMT, Công ty TNHH Đông Phong, Công ty cổ phần cơ khí ô tô 3 - 2, Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP)... 

Mặc dù đã đạt được một số thành tích nhất định, nhưng ngành cơ khí của tỉnh chủ yếu mới chỉ dừng lại ở lắp ráp, gia công, nguyên vật liệu còn phụ thuộc vào nhập khẩu, sản phẩm cơ khí chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu, chưa gắn với phát triển công nghiệp. Trước tình hình đó, nhiều DN cơ khí trong nước mong muốn đầu tư công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất, tuy nhiên vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu vốn. Do đó, nhà nước, tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, xác định rõ yếu tố nào cần hỗ trợ và hỗ trợ ngành hàng nào thông qua cơ chế tạo đơn hàng, chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước. 

Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết: Tỉnh đã đề xuất với các bộ, ngành của Trung ương rà soát lại danh mục các chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm, chỉ nên giới hạn 5 - 6 chuyên ngành, sản phẩm cơ khí có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển làm "đầu kéo" thúc đẩy các ngành, sản phẩm khác. Bên cạnh đó, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đối với các DN, đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về vốn, nghiên cứu đầu tư phát triển và thị trường.

Về phía tỉnh Hưng Yên, tỉnh đã và đang thực hiện chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu về các thông tin thị trường, giá, nhà sản xuất; xây dựng chính sách về vay vốn, thuế khi doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ, đồng thời hỗ trợ các DN trong việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trong ngành cơ khí. 

Về phía các DN ngành cơ khí của tỉnh, cần phải tăng cường hợp tác, liên kết trong hoạt động sản xuất nhằm chuyên môn hóa, tránh đầu tư trùng lặp; tăng cường sự phối hợp với các viện nghiên cứu chuyên ngành, trường đại học... để tận dụng tối đa thế mạnh, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ.

               Văn phòng CPSI