Phát triển khoa học công nghệ trong công nghiệp tại Việt Nam
Thứ ba, 01/11/2016
Khoa học công nghệ được nhà nước xác định đóng vai trò then chốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại trong việc phát triển khoa học công nghệ.
Khoa học công nghệ được nhà nước xác định đóng vai trò then chốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại trong việc phát triển khoa học công nghệ.
Sự phát triển của KH&CN thời gian qua đã góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an ninh và quốc phòng.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam đã làm chủ công nghệ tiên tiến về đóng tàu trong các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước và công nghệ lắp ráp các cần cẩu siêu trường, siêu trọng; sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện (kể cả nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La); dây chuyền thiết bị cho nhà máy cán thép xây dựng, xi măng, chế biến mủ cao su...; chế tạo thành công giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90m nước lần đầu tiên tại Việt Nam thay thế cho nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài; ứng dụng kỹ thuật nguyên tử đánh dấu xác định trữ lượng vỉa dầu trong lĩnh vực khai thác dầu khí...
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng KH&CN hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển KT-XH, trình độ KH&CN quốc gia hiện nay nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới.
Để KH&CN xứng đáng là động lực trong phát triển KT-XH đất nước, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp phát triển KH&CN những năm tới cần được chú trọng.
Trước hết, phải đánh giá đầy đủ hiệu quả hoạt động của ngành KH&CN; nhất là ứng dụng KH&CN trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất. Trên cơ sở đó, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo công nghệ cao cũng như xây dựng các phương án tái cấu trúc ngành KH&CN; sắp xếp lại hệ thống các nhiệm vụ, đề tài KH&CN để đề ra các giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và tiếp thu công nghệ.
Hai là, cần tập trung thúc đẩy các nguồn lực chủ yếu để phát triển KH&CN, thị trường KH&CN, hoạt động dịch vụ KH&CN, doanh nghiệp KH&CN; gắn kết các chương trình, nhiệm vụ KH&CN phục vụ cho phát triển đất nước. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác, đầu tư với các nước phát triển, nhất là trong các ngành công nghiệp, công nghệ cơ khí, công nghiệp hỗ trợ.
Cuối cùng, cần đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN phù hợp với thực tế để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng KH&CN, khu công nghệ cao...; mở rộng phát triển hạ tầng KH&CN rộng khắp thay vì chỉ ưu tiên tập trung cho 4 vùng kinh tế trọng điểm như hiện nay.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Trước thời điểm đó, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, nhà nước cần khẩn trương có những quyết sách thúc đẩy KH&CN để giúp doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Văn phòng CPSI