Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ hai, 28/10/2024
Giai đoạn 2024 - 2030 thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Giai đoạn 2024 - 2030 thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Quyết định số 3797/QĐ-UBND ngày 13/9/2024 ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 – 2030 đã chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chính cần thực hiện.
Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu tất cả các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các Tổng Công ty tập trung thực hiện theo chỉ đạo tại Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND Thành phố về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030.
Một trong những công trình xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: metropolethuthiem.net)
Ngoài các, UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị tập trung vào 14 nhóm nhiệm vụ chính: Tài chính xanh; Nhân lực chất lượng cao; Kết nối xanh; Năng lượng xanh; Nước sạch và tuần hoàn nước; Tuần hoàn vật liệu; Tiêu dùng xanh; Giao thông xanh; Tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng; Khởi nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo xanh; Mảng xanh đô thị và Nông nghiệp xanh; Hệ sinh thái Cần Giờ xanh.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ Mảng xanh đô thị và Nông nghiệp xanh, Thành phố đề ra kế hoạch xây dựng lộ trình gia tăng diện tích mảng xanh đô thị đảm bảo cân bằng mức độ phân bố cây xanh giữa các khu vực trên địa bàn Thành phố; Xây dựng và áp dụng các tiêu chí về tỷ lệ cây xanh, mảng xanh đô thị, diện tích mặt nước, vật liệu thân thiện với môi trường trong phát triển, triển khai các công trình xây dựng khu đô thị, khu dân cư; Thiết kế các tòa nhà theo hướng xanh hóa, gia tăng tính năng canh tác nông nghiệp trên mái nhà,… nhằm hạn chế hiện tượng đảo nhiệt đô thị và cải thiện mảng xanh đô thị cho Thành phố; Số hóa việc trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn Thành phố; Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến mô hình, giải pháp xanh cho một số lĩnh vực; Đánh giá chất lượng và khả năng hấp thụ, lưu giữ các – bon từ rừng.
Tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, các Sở, ngành xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời các nội dung của Kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất; định kỳ tổ chức rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động được giao tại kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30/11 hằng năm.
Đối với các nhiệm vụ cần nghiên cứu, các đơn vị nhanh chóng nghiên cứu và tham mưu UBND Thành phố trong tháng 9/2024. Còn nhiệm vụ cần thời gian điều tra, khảo sát, các đơn vị tiến hành điều tra, khảo sát và tham mưu UBND Thành phố trong quý IV/2024.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các Tổng Công ty và các chủ đầu tư theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này.
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê