Bộ Công Thương thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững
Thứ năm, 03/10/2024
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững để góp phần bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương hiện là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức và thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững theo Quyết định 889 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24/6/2020. Trong suốt hơn 4 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững để góp phần bảo vệ môi trường.
Nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức những hoạt động cụ thể như: Trong sản xuất bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng được những mô hình thu gom, tái chế, những mô hình về tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, những nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, một số ngành.
Ngoài ra Bộ Công Thương cũng xây dựng được những bộ tài liệu từ cơ bản cho đến nâng cao để nhằm nâng cao đội ngũ chuyên gia cũng như các đội ngũ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong thiết kế bền vững, Bộ Công Thương đã có những sổ tay cũng như có những hướng dẫn về thiết kế bền vững cho sản phẩm.
Trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh những vấn đề như tái chế, tái sử dụng cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cụ thể trong hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã áp dụng trong những hệ thống siêu thị, hệ thống chợ đầu mối nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng, sử dụng những túi nilon sử dụng một lần bằng những đồ vật sử dụng vật liệu có thể tái chế được như túi cói hay làm bằng những vật liệu khác.
Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện những hướng dẫn đối với người tiêu dùng để nâng cao ý thức người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng đến công tác truyền thông. Bằng nhiều hình thức, Bộ Công Thương đã truyền tải và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng thông minh hơn những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Doanh nghiệp vào cuộc
Ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, với những giải pháp kể trên, hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững của Bộ Công Thương đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt trong việc thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã có sự chủ động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp liên doanh đã sớm có nhận thức rất tốt và triển khai những giải pháp kịp thời.
Ví dụ, Tổng công ty May 10 đã triển khai việc xanh hóa sản xuất trong khoảng 3 năm qua, bằng những việc làm cụ thể như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng, hay như đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, việc xanh hóa trong sản xuất đã không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của doanh nghiệp Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững. Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Huân – Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) - cho hay, là đơn vị tư vấn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, định hướng của công ty là tư vấn cho Tập đoàn là hướng tới kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, đối với các giải pháp mang tính dài hạn, công ty đã triển khai các dự án nghiên cứu và đánh giá môi trường tổng thể như lập các đề án bảo vệ môi trường cho khai thác than trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, lập các đề án, phương án xử lý bãi thải mỏ một cách tổng thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là các khu vực có mật độ dân số lớn, dân cư lớn như các thành phố lớn như Hòn Gai, Cẩm Phả...
Đối với nước thải, hiện tại, công ty đang phối hợp với Tập đoàn để triển khai các dự án hướng tới tái sử dụng nguồn nước thải mỏ.
Đối với đất đá thải, hiện tại, Tập đoàn đang triển khai khá nhiều biện pháp, trong đó hướng tới sử dụng đất đá thải cho mục đích xây dựng như san lấp, làm đường giao thông.
Ngoài ra, một trong những chiến lược gần đây Tập đoàn quan tâm là việc đẩy nhanh tốc độ phủ xanh trên các bãi thải, từ đó có thể kết hợp để phát triển kinh tế rừng trên các khu vực bãi thải sau khai thác.
Theo ông Cù Huy Quang, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cố gắng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào những khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng những mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành có rất nhiều tiềm năng về tái chế như hiện nay.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững tại các địa phương.
Ngoài ra, quan tâm chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, làm sao đó để nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo: moit.gov.vn