[In trang]
Phát triển giao thông xanh
Chủ nhật, 13/10/2024
Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỉ đồng từ nay đến 2030 đầu tư xe buýt xanh. Trong số các kịch bản mà thành phố dự kiến thì sử dụng 100% xe buýt điện thể hiện sự quyết tâm, ưu tiên nguồn lực cho môi trường.
Giao thông xanh đang ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã tiên phong, dành nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Xu thế tất yếu
Giao thông “xanh” là việc sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải khí carbon và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông “xanh” có thể sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... như sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… với lượng phát thải gần như bằng “0”. Những phương tiện “xanh” này sẽ giúp môi trường trong lành hơn. Hơn hết, việc chuyển đổi phương tiện năng lượng “xanh” là xu hướng tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu quan trắc những năm gần đây tại Hà Nội, có tới hơn 30% số ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và mức kém. Thành phố lớn nhưng lại bị uy hiếp bởi những hạt bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti mang theo nhiều mối nguy hại về sức khỏe với đường kính nhỏ hơn 2.5um, nhỏ hơn 30 lần sợi tóc con người. Ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) cũng đang là vấn đề nóng của nhiều thành phố.
Hà Nội đứng số 1 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí ngày 5/3/2024 (Ảnh: Cafebiz). 
Tại Việt Nam, đa số người dân đã quen với việc sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Để giảm bớt lượng khói bụi độc hại từ hoạt động giao thông, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ áp dụng giao thông xanh vào đời sống. 
Sản xuất và sử dụng các phương tiện xanh sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu hóa thạch tự nhiên, do đó giúp tiết kiệm các chi phí khai thác và xử lý môi trường cho quốc gia. Ngoài ra, khi xây dựng được mạng lưới giao thông xanh và hạ tầng ổn định sẽ giúp Việt Nam tự chủ được nguồn nhiên liệu, không phải nhập khẩu quá nhiều xăng dầu từ quốc gia khác. Mô hình giao thông này cũng đem lại nhiều lợi ích tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường...
Theo dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 85% lượng khí phát thải nhà kính trong năm 2030. Giao thông xanh giúp giảm lượng khí thải CO2 và các chất ô nhiễm khác từ phương tiện giao thông truyền thống, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính và cải thiện chất lượng không khí. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông xanh
Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, Thủ tướng đã ban hành Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Thời gian qua, các địa phương cũng đã bắt đầu tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” để bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải. Đồng thời sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng. 
Mới đây, Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỉ đồng từ nay đến 2030 đầu tư xe buýt xanh. Trong số các kịch bản mà thành phố dự kiến thì sử dụng 100% xe buýt điện thể hiện sự quyết tâm, ưu tiên nguồn lực cho môi trường. 
Các thành phố lớn tại Việt Nam đang quyết tâm chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng (Ảnh: Báo Lao Động)
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố định hướng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45% - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
TP. Hồ Chí Minh cũng đặt ra lộ trình, từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030 tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Theo chương trình này, dự kiến đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh có 1.874 xe buýt chuyển đổi sang năng lượng điện, năng lượng xanh.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đầu tư hàng trăm ki-lô-mét mạng lưới đường bộ vành đai, cao tốc liên vùng; mạng lưới đường thủy nội địa; hệ thống cảng, các trung tâm logistics. Những dự án, chiến lược này được kỳ vọng sẽ giảm tác động đến môi trường, góp phần quan trọng vào việc giảm khí thải carbon, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Đặc biệt, huyện Cần Giờ được xác định là nơi tiên phong thí điểm các chính sách về phát triển xanh. Hiện Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ. Đề án đặt mục tiêu 20 - 30% người dân, 30 - 50% du khách sử dụng giao thông công cộng tại Cần Giờ; 50 - 70% người dân có xe máy điện và 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch.
Tại TP. Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, mô hình Trạm giao thông xanh được xây dựng tại khu vực Quảng trường 1 Tháng 4. Đây là một điểm dừng chân nghỉ ngơi, check in và sạc pin các loại xe điện cho du khách và người dân địa phương. Tại Trạm giao thông xanh còn được bố trí các bảng hiệu nhằm tuyên truyền về chuyển đổi giao thông xanh, góp phần quảng bá du lịch xanh tại Phú Yên.
Trạm giao thông xanh là điểm dừng chân check in và sạc pin các loại xe điện cho du khách và người dân địa phương (Ảnh: Báo Phú Yên). 
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cho biết: "Trạm giao thông xanh nằm trong Dự án xây dựng và thử nghiệm mô hình giao thông xanh, góp phần xây dựng TP Tuy Hòa xanh, thông minh và bền vững. Dự án được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GFE/SGP) thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện từ tháng 1/2023 - 12/2024".
Giao thông xanh đang ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã tiên phong phát triển cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững, cần có sự hành động đồng bộ hơn từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng, bao gồm việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xanh và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông sạch.
Hoàng Dương