Doanh nghiệp tiên phong chuyển hướng sản xuất tuần hoàn
Thứ sáu, 19/07/2024
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một mô hình kinh doanh được nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích môi trường, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng.
Công ty Cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang chuyên sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao đã theo đuổi mô hình kinh tế xanh từ những ngày đầu thành lập. Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, trước đây, sản xuất gạch nung sử dụng nguồn nguyên liệu là đất sét, đất ruộng nạc, đốt từ than tự nhiên. Hệ quả là người nông dân mất đất ruộng, ô nhiễm môi trường.
Để thay thế nguồn nguyên liệu, nhà máy đã tìm đến nguồn đất đồi và các loại phế liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản và các chất thải rắn như gạch vỡ, bê tông phá dỡ và các loại sỉ thải sau đốt lò, cùng với đó là các nguyên liệu thay thế đất sét cho sản xuất gạch tuynel chất lượng cao với công nghệ sản xuất tuần hoàn. Nhờ sử dụng nguyên liệu tái chế, thành phẩm có giá thành cạnh tranh, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng.
Công ty Cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang sử dụng nguyên liệu tái trong sản xuất. (Ảnh: Công ty Cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang)
Heineken Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các doanh nghiệp đạt được những thành công nhất định trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh doanh theo hướng tuần hoàn nói riêng. Doanh nghiệp nhiều năm giữ vững vị trí top 3 các doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững Heineken Việt Nam chia sẻ, để góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn.
5/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp đã hỗ trợ mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỉ đồng cho người dân địa phương chỉ riêng trong năm 2019. Sáng kiến này là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương.
Trong khâu đóng gói, 100% chai thủy tinh của Heineken được tái sử dụng hơn 30 lần. Nhờ vào đó, tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đạt 97%, ngoài ra 100% chai thủy tinh hết hạn sử dụng hoặc bị vỡ đều tiếp tục được đưa vào tái chế. Két nhựa đựng chai bia cũng được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều nhất có thể. Cụ thể, những chiếc két bia của hãng có tuổi thọ từ 5 – 10 năm và cũng được tái chế sau khi hết hạn hoặc hư hỏng. Đối với sản phẩm đóng lon, Heineken sử dụng thùng giấy carton và lon nhôm, có khả năng tái chế lên đến 100%. 40% nguyên liệu nhôm và 100% giấy carton là sản phẩm tái sinh.
Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tái sử dụng. Đến nay, nước thải tại 6/6 nhà máy đều đạt, đủ tiêu chuẩn nuôi cá, 8% nước thải sau khi xử lý ở nhà máy Vũng Tàu được tái sử dụng ở các khâu không liên quan đến sản phẩm.
100% vỏ chai bia Heineken có khả năng tái sử dụng trên 30 lần
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, việc theo đuổi mô hình sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Theo Tổng Giám đốc Công ty - Ông Nguyễn Duy Thuận, Lộc Trời đã trình dự án về xác lập tín chỉ carbon lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi được công nhận, đây sẽ là “hồ sơ xanh” cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi luật về thuế carbon có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này.
Bước chuyển mình từ mô hình sản xuất truyền thống sang kinh tế tuần hoàn không dễ dàng, đặc biệt khi xét đến bài toán lợi ích. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên thị trường đã nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của một mô hình kinh tế mới thân thiện hơn với tự nhiên. Từ những cá nhân và tổ chức tiên phong, nỗ lực nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ ngày càng lan tỏa, giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoà Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Đề án đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. |
Mai Anh