[In trang]
Khuyến công Phú Thọ: Ưu tiên phát triển sản phẩm lợi thế
Thứ năm, 26/03/2015
Theo Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2015, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất CNNT đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.

Theo Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2015, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất CNNT đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.

Đào tạo 15.000 lao động vào năm 2020

Kế hoạch phấn đấu của Phú Thọ đến năm 2015, giá trị sản xuất CNNT đạt trên 10.000 tỷ đồng, đào tạo 4.650 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ 2.100 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 37 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm. Giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh phát triển CNNT tăng trưởng bình quân 15%/năm, cao hơn tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2020, giá trị sản xuất CNNT đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông - lâm - thủy sản; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng CNH, HĐH.

Phấn đấu đào tạo khoảng 15.000 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ khoảng 7.000 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ xây dựng 20 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 120 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải chung cho 15 cụm công nghiệp.

Nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực

Để thực hiện các mục tiêu trên, công tác đào tạo nghề, truyền nghề sẽ được thực hiện theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động. Hình thức đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu là ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm CNNT. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn. Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm hàng CNNT, hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.

Bên cạnh đó, tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT trong việc lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước. Cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thông qua các hình thức khác nhau. Hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế về khuyến công. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.

Ưu tiên các sản phẩm lợi thế

Để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động khuyến công đi vào trọng tâm; có ý nghĩa tác động khuyến khích đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, sản phẩm công nghiệp lợi thế của tỉnh; khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác khuyến công từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình khuyến công của tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung bố trí kinh phí ưu tiên một số chương trình, dự án.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2015 sẽ ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động tại các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn các xã điểm về xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2016-2020, sẽ ưu tiên các chương trình, dự án phát triển công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.. tại địa bàn huyện nghèo Tân Sơn, các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn Thanh Sơn, Yên Lập; địa bàn các xã nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh (giấy, hóa chất, phân bón, chế biến chè, may mặc, giầy da); sản xuất sản phẩm mang dấu ấn Đất tổ Hùng Vương phục vụ du lịch Đền Hùng; sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ phục vụ du lịch về cội nguồn dân tộc; các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.