[In trang]
Đăk Lăk: Phát huy hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công
Thứ ba, 24/03/2015
UBND tỉnh Đăk Lăk vừa ban hành Quy định về tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công địa phương. Đây là một trong những nỗ lực nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công địa phương, tránh chi phí phát sinh không cần thiết. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk, năm 2014, trung tâm đã triển khai 16 danh mục đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 3.035 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 1.080 triệu đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng.

UBND tỉnh Đăk Lăk vừa ban hành Quy định về tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công địa phương. Đây là một trong những nỗ lực nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công địa phương, tránh chi phí phát sinh không cần thiết. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk, năm 2014, trung tâm đã triển khai 16 danh mục đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 3.035 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 1.080 triệu đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng.

Với nguồn kinh phí trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk đã ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ sở. Điển hình, trung tâm đã hỗ trợ 90 triệu đồng cho Công ty TNHH Sapro Tây Nguyên (thị trấn Phước An, huyện Krông Păk) đầu tư thiết bị trong dây chuyền sản xuất phân vi sinh. Với sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhằm tận dụng nguyên liệu từ các chất thải hữu cơ, phụ phế phẩm, nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương như vỏ mì (sắn), vỏ cà phê, bã mía... để sản xuất phân bón vi sinh. Đề án đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk hỗ trợ không hoàn lại 90 triệu đồng cho Công ty Đông Phương Ea Kar đầu tư máy móc, thiết bị mới 100% trong dây chuyền sản xuất bao bì từ phế liệu tái chế. Đề án được triển khai đã giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đồng thời tạo việc làm thường xuyên nhiều lao động tại cơ sở với thu nhập từ 2,5 - 3,5 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, trung tâm còn triển khai hàng loạt các đề án khác như: Hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất đá ốp lát, công suất 2.000 m2/năm, tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar; hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất củi đốt, công suất 2 tấn/giờ tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar; hỗ trợ ứng dụng thiết bị sản xuất củi đốt từ nguyên liệu vỏ trấu lúa, công suất sản xuất: 300 kg củi/giờ tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea súp…

Theo đánh giá chung, các đề án trung tâm triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, cở sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, tăng đáng kể doanh thu.

Tuy nhiên, khả năng bố trí ngân sách Đăk Lăk hàng năm cho chương trình khuyến công còn hạn chế. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương chỉ đáp ứng 1/4  nhu cầu. Mức hỗ trợ cho từng đề án chưa đáp ứng quy định hiện hành, khiến các cơ sở kém hào hứng với chương trình.

Trước hiện trạng trên, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Quy định về tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh, đây là một trong những nỗ lực nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, tránh chi phí phát sinh không cần thiết.

Nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh được chi cho các nội dung theo quy định hiện hành về khuyến công, mức chi được quy định rất cụ thể. Theo đó, mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để sản xuất sản phẩm mới tối đa 30% chi phí nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình. Với những cơ sở sản xuất hiệu quả cần phổ biến nhân rộng mô hình, mức hỗ trợ không quá 90 triệu đồng/cơ sở. Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất tối đa 50% chi phí nhưng không quá 90 triệu đồng/cơ sở.

Cùng với đó, mức chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn đạt giải cấp tỉnh không quá 4 triệu đồng/sản phẩm; đạt giải cấp huyện không quá 2 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/thương hiệu; hỗ trợ hình thành cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp tối đa 50% chi phí nhưng không quá 120 triệu đồng/cụm liên kết...

Đặc biệt, nguồn kinh phí khuyến công địa phương của Đăk Lăk được định hướng chủ yếu hỗ trợ cho các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Chế biến nông, lâm, thủy sản,  thực phẩm; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện tử, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đăk Lăk được UBND tỉnh giao kế hoạch thực hiện 19 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 3.460 triệu đồng; trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 1.415 triệu đồng và kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là 2.045 triệu đồng.