Kinh tế tuần hoàn tại Tập đoàn TH - “chìa khóa” thực hiện Net zero
Thứ ba, 14/05/2024
Trên hành trình thực hiện hai mục tiêu là phát triển bền vững và kinh doanh đột phá, Tập đoàn TH đã kiến tạo nên một hình mẫu về mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trên hành trình thực hiện hai mục tiêu là phát triển bền vững và kinh doanh đột phá, Tập đoàn TH đã kiến tạo nên một hình mẫu về mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Tiên phong khai mở con đường sữa tươi sạch thông qua các hoạt động sản xuất bền vững, Tập đoàn TH tuân thủ các nguyên tắc của mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ngay từ đầu khi triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao trị giá 1,2 tỷ USD tại Nghệ An vào năm 2009.
Dự án hiện sở hữu đàn bò 70.000 con, riêng tại Nghệ An đang sử dụng 8.100 ha đất canh tác, với các cánh đồng thuộc chuỗi sản xuất xanh khép kín, tuần hoàn theo quy trình "từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch", từ khâu trồng nguyên liệu, chăn nuôi bò cho đến sản xuất, chế biến.
Trang trại xanh của Tập đoàn TH.
Để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hài hòa ở cả 3 yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường, một trong những điều Tập đoàn TH chú trọng là đầu tư và triển khai những công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, đảm bảo hai mục tiêu: kiểm soát chất lượng hàng đầu và giảm thiểu tác động đối với môi trường. Các công nghệ hàng đầu thế giới đang được ứng dụng tại TH có thể kể đến như: hệ thống quản lý đàn bò tiên tiến Afimilk của Israel; quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; hệ thống phần mềm kiểm soát phối trộn, lập khẩu phần thức ăn 1-One, DNS; và các quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn TH, sản phẩm phụ và rác thải của một quy trình sẽ không bị loại bỏ mà tiếp tục trở thành tài nguyên của quy trình khác, giảm phát thải, tăng cường vòng đời của nguyên vật liệu, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Một trong những chu trình hiệu quả nhất mà TH xây dựng là hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Phế phẩm này không bị thải loại mà trở thành nguyên liệu đầu vào của Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, từ đó quay trở lại đồng ruộng hoặc cung cấp ra thị trường.
Quá trình xử lý chất thải chăn nuôi còn tạo ra khí biogas, được tái tạo thành điện năng quay trở lại phục vụ cho các nhà máy hoạt động. Nguồn điện từ biogas và pin năng lượng mặt trời lắp trên mái các nhà máy, trang trại TH hiện có thể cung cấp khoảng 10-20% tổng năng lượng điện mà tập đoàn cần, tùy theo mùa. TH kỳ vọng tỷ lệ năng lượng xanh tự sản xuất sẽ tăng trong những năm tới và tiến tới tự cung tự cấp.
Năng lượng tái tạo từ điện mặt trời trên mái trang trại cũng giúp giảm phát thải 5.000 tấn CO2/năm. Năm 2022 bình quân phát thải ở Nhà máy sữa tươi TH true MILK giảm mạnh xuống còn 0,103 kg CO2/đơn vị sản phẩm, mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt tại trang trại TH.
Ngoài ra, Nhà máy Sữa TH còn là đơn vị đơn vị đi đầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường khi thay thế đốt lò hơi bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu FO) sang sử dụng nhiên liệu sinh khối với lò Biomass. Theo ông Cao Minh Hòa, nguồn nhiên liệu “xanh” mà Nhà máy đang sử dụng không những có chi phí rẻ hơn mà khói thải còn trở nên sạch và an toàn hơn rất nhiều.
Hiện tại Nhà máy Sữa TH đang vận hành 2 lò Biomass. Hơi sinh ra từ lò cung cấp đủ nhu cầu cho toàn bộ khu vực sản xuất để thanh trùng, tiệt trùng máy rót; gia nhiệt nước, hỗ trợ quy trình làm sạch đường ống, thiết bị trong suốt quá trình sản xuất.
Cùng với đó, Tập đoàn TH cũng đồng thời thu hồi nước ngưng tụ ở một số thiết bị chủ chốt. Lượng nước ngưng thu hồi được chiếm 50-60% tổng lượng hơi cấp cho sản xuất, góp phần tiết kiệm nhiên liệu trong mọi quá trình sản xuất.
Ở TH, công nghệ xử lý chất thải hiện đại hàng đầu đã giúp giảm thiểu được ít nhất 70% khí metan. Bên cạnh đó, ba nhà máy xử lý nước thải công suất lớn, hiện đại tại các cụm trang trại TH có khả năng xử lý và thu hồi hàng nghìn m3 nước mỗi năm.
Không chỉ tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn liên tục cải tiến công nghệ để cắt giảm tối đa lượng nhựa trong sản xuất. Nổi bật là quyết định bỏ màng co nắp chai nhựa trên toàn bộ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Năng - Giám đốc Nhà máy Nước tinh khiết, Thảo dược và Hoa quả Núi Tiên cho biết nhà máy hiện đang cung ứng ra thị trường hàng chục dòng sản phẩm đồ uống đóng chai chất lượng cao như nước tinh khiết TH true Water, nước gạo TH true RICE từ gạo lứt đỏ và các sản phẩm nước uống từ hoa quả tự nhiên.
Trong quá khứ, các sản phẩm nước đóng chai đều phải có màng co nhựa bọc nắp chai vì công nghệ trước đây vẫn tồn tại những hạn chế khiến nguy cơ bụi, hoặc không khí bên ngoài có thể thẩm thấu ngược vào bên trong, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhưng hiện nay, công nghệ đóng nắp chai mà TH áp dụng đã khắc phục triệt để nhược điểm này. Chúng tôi không cần phải sử dụng màng co plastic bên ngoài nắp chai nữa. Chỉ một thay đổi nhỏ này thôi mỗi năm nhà máy cắt giảm được 40 tấn nhựa.
Độ dày nhãn mác plastic trên các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe của TH hiện chỉ còn 35 micromet, giảm thiểu sử dụng nhựa, được đánh giá là màng nhựa mỏng nhất Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Năng, cắt giảm nhựa còn được nghiên cứu và áp dụng trong quy trình sản xuất chai. Cụ thể, với dòng chai nước hoa quả, khối lượng nhựa trước đây là 14,5 gr/chai nay đã được giảm xuống mức nhẹ nhất 12 gr/chai. Nhà máy cũng cải tiến công nghệ, giảm độ dày của nhãn mác bọc chai hiện chỉ còn 35 micromet. Đây đang là màng nhựa mỏng nhất Việt Nam, đến nay chưa có doanh nghiệp nào làm được.
Theo tính toán, bằng việc áp dụng tổng thể các giải pháp công nghệ để giảm lượng nhựa trong sản xuất, Tập đoàn TH đang cắt giảm được 500 tấn nhựa/năm.
“Giảm nhựa không chỉ là tiết kiệm, có lợi cho sản xuất mà quan trọng hơn đó là cách ứng xử thông minh, thân thiện với môi trường. Vì thế, cùng với việc làm ra các sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, qua từng năm - dựa trên công nghệ hiện đại, người lao động ở TH đã luôn nỗ lực để định hướng “Trân quý Mẹ Thiên nhiên” trở thành hiện thực,” ông Năng bày tỏ.
Hoàn thành cả hai mục tiêu phát triển bền vững và kinh doanh đột phá, kết thúc năm 2023, TH đạt mức tăng trưởng hai con số ấn tượng, tiếp tục nằm trong top 2 thương hiệu và sản phẩm sữa được người tiêu dùng thành thị lựa chọn nhiều nhất (theo báo cáo của Kantar).
Thành công nói trên của Tập đoàn TH cũng là câu trả lời cho các doanh nghiệp về sự băn khoăn giữa hai phương án: Làm kinh tế tuần hoàn ngay từ đầu hay đợi đến khi đủ nguồn lực. Mô hình của Tập đoàn TH cho thấy phương án đầu tiên có thể là lựa chọn thích hợp bởi các công ty chủ động ngay từ khởi điểm sẽ không phải thay đổi giữa chừng, tiết kiệm chi phí sau này.
Có thể nói dự án của TH tại Nghệ An đã tạo ra ly sữa đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam và bước đầu đạt được các mục tiêu về kinh tế tuần hoàn, giảm tối đa các tác động đối với môi trường. Với những bước đi một cách bài bản của mình, Tập đoàn TH sẽ đồng hành cùng Chính phủ hướng đến mục tiêu Net Zero trong năm 2050.
Bảo Minh