Hà Nội phát triển mạnh sản phẩm xanh vì quyền lợi người tiêu dùng
Thứ tư, 01/05/2024
Triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2019 - 2030, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu hao nguyên - nhiên vật liệu trong sản xuất, hệ thống phân phối thương mại không sử dụng túi nilon...
Triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2019 - 2030, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu hao nguyên - nhiên vật liệu trong sản xuất, hệ thống phân phối thương mại không sử dụng túi nilon...
Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng mạnh mẽ, nhiều DN phân phối, bán lẻ tại Hà Nội đã có những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu túi nilon sử dụng một lần khó phân hủy.
Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (chương trình SCP). Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo đó, thông tin truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh; hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn có các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại và dịch vụ; tổ chức các chuỗi kết nối sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh thân thiện môi trường.
Triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy
Với kết quả khảo sát cho thấy khoảng 95% người tiêu dùng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Do vậy, TP Hà Nội trong thời gian qua đã đẩy mạnh triển khai các chương trình về thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, cũng như hỗ trợ các đơn vị sản xuất xanh, phát triển bền vững.
Hà Nội đã hỗ trợ khoảng 50% DN trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững theo từng lĩnh vực như: Dệt may, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không, phân phối bán lẻ… Thông qua mạng lưới, chương trình kêu gọi sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phát triển bền vững; thực hành lối sống “không rác thải” trong đời sống, sinh hoạt; xây dựng mô hình sản xuất bền vững qua thực hành sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm bền vững, sản xuất các sản phẩm thông minh, không chất thải; sản phẩm xanh, tái sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn nhãn sinh thái.
Người dân đã nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và tư duy rằng mỗi người đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh. Từ đó, người dân thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.
Nhận thức này được chuyển thành hành động, khi có tới 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas…
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, DN sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Đồng thời, TP triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình đã giúp khoảng 50% DN trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các DN, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh tại Thủ đô sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngày 24/4, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức lễ khai mạc hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng”. Hội chợ thu hút khoảng 100 DN với quy mô 160 gian hàng của các DN, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như: đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu,… Các đơn vị tham gia thực hiện các nội dung gồm: hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng; thực hiện các hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như: miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối với người tiêu dùng; triển khai các hoạt động quảng bá, khuyến mại, tư vấn mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng. |
Theo: Pháp luật và Xã hội