[In trang]
Vật liệu không nung ở “thành phố môi trường”
Thứ hai, 16/03/2015
Không làm mất đất sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, giúp hạ giá thành xây dựng… là những lợi thế rõ nét khi sử dụng vật liệu không nung (VLKN) như gạch xây, gạch lát nền, vỉa hè đường phố. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại VLKN tại Đà Nẵng còn khó khăn.

Không làm mất đất sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, giúp hạ giá thành xây dựng… là những lợi thế rõ nét khi sử dụng vật liệu không nung (VLKN) như gạch xây, gạch lát nền, vỉa hè đường phố. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại VLKN tại Đà Nẵng còn khó khăn.

Ưu thế vượt trội

Trong những năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn là một trong những đô thị phát triển nhanh trong cả nước. Mỗi năm, có hàng chục nghìn công trình xây dựng của nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân triển khai, với gần một tỷ viên gạch nung được sử dụng cho các công trình.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để sản xuất một tỷ viên gạch nung từ đất sét với kích thước tiêu chuẩn, tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp, và 150.000 tấn than, thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác ô nhiễm môi trường.

Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình phát triển VLKN đến năm 2020” và Chỉ thị “Về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung”, thành phố Đà Nẵng đã sớm triển khai quy định về sử dụng VLKN trong các công trình xây dựng.

Tại Đà Nẵng hiện có gần 10 nhà máy sản xuất các loại gạch không nung, trong đó, nhiều doanh nghiệp ra đời từ khá sớm, nhưng năng lực sản xuất hạn chế, công nghệ lạc hậu, sản phẩm có chất lượng không cao nên khó cạnh tranh trên thị trường xây dựng.

Đầu tháng 10-2014, nhà máy gạch không nung Hồng Hoàng Hồng hiện đại đầu tiên ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền trung - Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động. Sản phẩm gạch không nung sử dụng công nghệ ép chân không của Công ty Hồng Hoàng Hồng mới ra đời nhưng đã có mặt ở các công trình lớn như Bệnh viện Hải Châu, Tòa nhà Trung tâm phát triển thương mại điện tử Bộ Công thương và một số công trình khác.

Việc nhà máy sản xuất gạch không nung đầu tiên đi vào hoạt động đã đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng rất lớn tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Ông Nguyễn Đức Thành, đại diện nhà thầu thi công Tòa nhà Trung tâm phát triển thương mại điện tử, công trình sử dụng gạch không nung đầu tiên tại Đà Nẵng cho biết: “Loại gạch này đa dạng về chủng loại, kiểu dáng nên khi xây không phải chặt để chèn như gạch tuynel thông thường. Độ bền, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống ồn, chống thấm đều tốt hơn gạch nung”.

Khó tiếp cận thị trường

Theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam, VLKN có ưu điểm như không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất, không làm giảm diện tích sản xuất nông nghiệp; không đốt bằng nhiên liệu từ than, củi... và không thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường; có thể tạo sản phẩm nhiều mầu sắc, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng; có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt hơn vật liệu nung; cơ sở sản xuất có thể phát triển theo nhiều quy mô, không bị khống chế nhiều về mặt bằng sản xuất; đầu tư thấp hơn vật liệu nung.

Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm này cho các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận là rất lớn. Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: “Sản xuất và sử dụng gạch không nung đã được Đà Nẵng triển khai trong thời gian qua. Sở cũng đã ban hành nhiều công văn gửi đến các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, tư vấn giám sát, các nhà thầu xây dựng trên địa bàn về việc triển khai quy định sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo ông Trần Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, ở Đà Nẵng nói riêng, nước ta nói chung, vật liệu để sản xuất gạch không nung như phế phẩm đá xây dựng, xỉ nhiệt điện... rất dồi dào, xi-măng cũng là ngành thế mạnh. Vấn đề hiện nay là do thói quen của người dân, nhà thầu. Bên cạnh đó, một số quy định về định mức xây dựng đối với gạch không nung chưa rõ ràng, khiến việc đưa vào dự toán công trình còn khó khăn.

Kiến trúc sư Phan Thế Vinh, giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, giá cả cũng là yếu tố khiến gạch không nung khó tiếp cận thị trường, vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, sử dụng các biện pháp hành chính, các đơn vị sản xuất cần tăng cường hiệu quả quản lý, tiết kiệm vật liệu, nhân công để hạ giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với gạch nung truyền thống đang chiếm lĩnh thị trường xây dựng hiện nay.

Đà Nẵng đang phấn đấu xây dựng thành phố môi trường với nhiều kỳ vọng về một đô thị xanh-sạch-đẹp. Việc sử dụng VLKN là một trong những giải pháp góp phần phát triển thành phố văn minh, hiện đại, bền vững. Chính vì vậy, Đà Nẵng cần triển khai đồng bộ, kiên quyết và hiệu quả chủ trương của Chính phủ, làm tiền đề cho sự phát triển của đô thị trẻ bên sông Hàn trong giai đoạn mới.