“Xanh hóa” sản xuất công nghiệp
Thứ năm, 15/02/2024
Với tiêu chí cân bằng kinh tế - xã hội và môi trường mà tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra, nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã dành sự quan tâm tương xứng đến việc thiết kế khuôn viên xanh, tích cực đổi mới trang thiết bị và công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.
Với tiêu chí cân bằng kinh tế - xã hội và môi trường mà tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra, nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã dành sự quan tâm tương xứng đến việc thiết kế khuôn viên xanh, tích cực đổi mới trang thiết bị và công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn tăng ưu thế cạnh tranh.
Từ nhiều năm nay, Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) được công nhận là mô hình “nhà máy công viên”.
Những mô hình “nhà máy công viên”
Nhà máy Cán thép Lưu Xá là một trong những đơn vị chủ lực của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trái với hình dung ban đầu về một cơ sở có nhiều khói bụi và tiếng ồn là đặc thù của sản xuất công nghiệp nặng, chúng tôi khá bất ngờ khi chứng kiến khuôn viên của Nhà máy được bố trí khoa học, rất sạch sẽ và nhiều cây xanh mát.
Anh Lê Mạnh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy, giới thiệu: Đơn vị có khuôn viên rộng, mật độ xây dựng nhà xưởng chưa tới 50% diện tích. Từ hơn chục năm trước, chúng tôi đã định hướng xây dựng mô hình “nhà máy công viên” nhằm tạo môi trường trong lành, thân thiện cho cán bộ, công nhân làm việc.
Bên cạnh các tiêu chí về cơ sở vật chất như có nhà truyền thống, nhà ăn ca tự chọn, khu vực tắm giặt xông hơi, để xe tập trung… Ban lãnh đạo Nhà máy đặc biệt quan tâm việc bố trí không gian với nhiều cây xanh và hoa. Một tổ vệ sinh gồm 5 người được thành lập có nhiệm vụ thường xuyên quét dọn, cắt tỉa và chăm sóc cây. Ngoài ra, đơn vị cũng quan tâm cải tiến kỹ thuật và quy trình sản xuất theo hưởng giảm thiểu khói bụi và tiếng ồn.
Chị Lã Thị Thùy Dương, công nhân Phân xưởng Cơ điện, chia sẻ: Không gian xanh và trong lành giúp đảm bảo sức khỏe, chúng tôi thêm yêu và gắn bó với Nhà máy hơn.
Tương tự, với định hướng xây dựng mô hình “Nhà máy công viên”, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn luôn luôn chú trọng bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh và lấy đó là một trong những tiêu chí làm nên thương hiệu của đơn vị. Đáng chú ý là việc nghiên cứu, sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, nguyên liệu đầu vào để sản xuất gạch không nung và làm phụ gia xi măng; lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục.
Khuôn viên xanh của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn.
Hằng năm, Công ty đều dành nguồn kinh phí đáng kể để cải tạo cảnh quan khuôn viên và điều kiện làm việc. Hiện nay, trên 70% diện tích khuôn viên của đơn vị được bao phủ cây xanh, với nhiều chủng loại từ cây lấy bóng mát, hoa, cây cảnh và thảm cỏ. Điều này tạo môi trường trong lành, góp phần thúc đẩy tinh thần và hiệu xuất làm việc của người lao động.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, công nhân Phân xưởng Vận hành, cho biết: Từ những quy định, nội quy của Công ty, chúng tôi dần hình thành thói quen tự giác trong bảo vệ môi trường và cùng xây dựng cảnh chung xanh - sạch - đẹp, gọn gàng, ngăn nắp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tăng trưởng xanh, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): ESG (môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp) là cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần phải hướng tới trong phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh và giảm phát thải.
Hướng tới sản xuất xanh
Với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng theo hướng sản xuất xanh.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh chú trọng hạn chế đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, các dự án có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, gia công sử dụng nhiều lao động. Đồng thời ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng nhu cầu về diện tích đất công nghiệp thấp và áp dụng các công nghệ, giải pháp sử dụng hiệu quả và sản xuất sạch hơn theo hướng chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái.
Cụm công nghiệp Sơn Cẩm được quy hoạch theo mô hình công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xanh, với phương châm “phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”. Các dự án nhà máy xanh theo tiêu chuẩn Leed, Lotus của Công ty khi đi vào hoạt động đã tạo hiệu quả “kép” là mang lại giá trị kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Với quy mô diện tích 10ha, Dự án TNG Võ Nhai là nhà máy đầu tiên của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn nhà máy xanh Leed, với các tiêu chí: Tiết kiệm năng lượng và nguồn nước; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng hệ sinh thái xanh; quản lý chất thải và ô nhiễm; trang bị tiện nghi và đảm bảo sức khỏe cho người lao động…
Theo đó, xung quanh Nhà máy được trồng nhiều cây xanh, tạo bóng mát, không khí trong lành. Nhà xưởng thiết kế theo hướng tận dụng ánh sáng tự nhiên, tạo đối lưu không khí, giảm cường độ sử dụng điện. Cùng với đó là các công trình tiện ích như: Sân thể thao, nhà y tế, nhà vắt sữa...
Đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen để thực hành 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) cho người lao động.
Chị Vũ Thị Thanh Nga, công nhân Nhà máy TNG Võ Nhai, chia sẻ: Môi trường làm việc thoáng đãng, sạch sẽ giúp công nhân chúng tôi thêm thoải mái, năng động. Tất cả đều cố gắng để hoàn thành tốt mục tiêu.
Trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên định hướng phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng. Từ những doanh nghiệp tiên phong mở đường và cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, “xanh hóa” sản xuất công nghiệp chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến, từng bước nâng tầm sản phẩm và hướng tới phát triển bền vững.
Tháng 4-2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư cho môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Trong lần đầu đánh giá chỉ số PGI, Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. |
Theo: Báo Thái Nguyên