Phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn
Thứ ba, 06/02/2024
Phát triển kinh tế tuần hoàn được cho là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là tái sử dụng chất thải chăn nuôi, trồng trọt và phụ phẩm nông nghiệp. Với những giá trị mang lại, mô hình này nên được nhân rộng hơn nữa để tạo nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Phát triển kinh tế tuần hoàn được cho là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là tái sử dụng chất thải chăn nuôi, trồng trọt và phụ phẩm nông nghiệp. Với những giá trị mang lại, mô hình này nên được nhân rộng hơn nữa để tạo nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Anh Võ Vinh Ca giới thiệu quá trình nuôi một số loại gà tại trang trại.
Người đi tiên phong
Ấp ủ mô hình chăn nuôi trồng trọt sạch để phục vụ chuỗi nhà hàng tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), sau là cung ứng cho người tiêu dùng trong thành phố, anh Võ Vinh Ca (45 tuổi), chủ trang trại khép kín hoàn toàn rộng 4 ha tại thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) là người đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ ở địa phương này.
Được UBND huyện Vân Canh cho thuê 4 ha đất trong thời hạn 50 năm, anh Ca thực hiện ước mơ sở hữu một trang trại chăn nuôi, trồng trọt chuẩn hữu cơ mà anh ấp ủ lâu nay. Khi được Nhà nước giao đất vào năm 2020, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên phải đến cuối năm 2021 anh Ca mới bắt tay vào xây dựng trang trại. Tại thời điểm này, đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn được coi là lĩnh vực khá mạo hiểm. Chưa kể khí hậu ở Vân Canh rất khắc nghiệt (được cho là địa phương nóng nhất tỉnh Bình Định).
Theo anh Ca, vào mùa hè nhiệt độ tăng đến hơn 400C thì phải tăng cường giải nhiệt hoặc trang bị quạt làm mát cho gà. Buổi sáng, trước khi cho ăn, tất cả vật nuôi đều được uống nước từ cây thảo dược trồng xen kẽ trong trang trại để tăng sức đề kháng. “Thức ăn cho heo có công thức phối trộn riêng, thức ăn cho gà có công thức riêng, các vật nuôi khác cũng vậy. Thức ăn sau khi đã lên men được cho vào máy ép thành viên để dành cho vật nuôi ăn dần. Quan điểm chăn nuôi hữu cơ của tôi là không cho vật nuôi ăn cám công nghiệp”, anh nói.
Hiện tại, trang trại anh Ca đang nuôi khoảng 20.000 con gà ta Bình Định của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh và nuôi thử nghiệm một ít gà H’Mông. Ngoài ra, anh cũng nuôi khoảng 1.000 con vịt vừa vịt thịt và vịt đẻ, với các giống vịt trời và vịt biển; 200 con heo bản địa (heo đen) và 100 con heo siêu nạc; 20 con bò BBB. Chưa hết, trang trại anh còn nuôi thêm thỏ, dê, chim bồ câu… để bổ sung vào thực đơn của chuỗi nhà hàng tại thành phố Quy Nhơn.
Trang trại đang được hoàn thiện để sớm phục vụ đón khách du lịch.
Gắn kết nông nghiệp với du lịch
Mô hình chăn nuôi và trồng trọt tại đây đều bắt đầu từ con trùn quế, với nhiệm vụ “giải quyết” phân gà, vịt, heo, bò thải ra và những gốc rau, cỏ, bèo, thân chuối có trong trang trại, bởi đây là món ăn ưa thích của trùn quế. Sau đó, thịt trùn quế được sấy khô rồi xay nhỏ ra, phối trộn vào thức ăn như là một loại thuốc dinh dưỡng bổ sung đạm cho vật nuôi. Còn phân trùn quế được làm phân hữu cơ vi sinh bón cho rau và cây trồng.
“Thức ăn thừa của nhà hàng ở Quy Nhơn tôi chở hết lên trang trại xử lý lại bằng cách lên men rồi phối trộn cho vật nuôi ăn. Những loại gốc rau, vỏ bầu, vỏ bí từ nhà bếp của các nhà hàng cũng được mang lên cho vào bể xử lý rồi cho trùn quế ăn. Quy trình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ tuần hoàn khép kín này không bỏ sót một chất thải nào. Chất thải của trùn quế là thức ăn dinh dưỡng cho cây trồng, còn chất thải của vật nuôi là thức ăn của trùn quế, cứ thế xoay vòng khép kín”, anh Ca chia sẻ.
Trong diện tích 4 ha, anh Ca dành ra 2 ha xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi, 1 ha sử dụng trồng trọt các loại rau theo hướng hữu cơ, 2.000 m2 được sử dụng để xây dựng khu vực trải nghiệm cho học sinh và du khách đến tham quan mô hình, diện tích còn lại là cơ sở hạ tầng, đường đi trong khu vực trang trại.
Tại phần diện tích trồng trọt, các ô đất được thiết kế rất mỹ quan để trồng các loại rau, cây ăn trái. Dọc theo hành lang, lối đi trong trang trại, những ao nuôi cá cũng được thiết kế rất đẹp để dành cho khách du lịch trải nghiệm câu cá. Cuối năm nay hoạt động du lịch nông nghiệp tại trang trại anh Ca sẽ khởi động, ban đầu đón học sinh các trường trung học ở thành phố Quy Nhơn lên tham quan. Tại đây, học sinh có thể thưởng thức những mớ rau do chính các em tự thu hoạch, ăn con cá do mình câu từ ao lên.
Vẫn còn đó những khó khăn
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc phát triển nông nghiệp theo mô hình khép kín tuần hoàn đã và đang được tỉnh Bình Định quan tâm thực hiện do đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội. Bởi lẽ, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, rồi quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản. Từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và giảm đáng kể lượng chất thải ra môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Bình Định vẫn còn khá rụt rè, khiêm tốn. Nguyên nhân có thể do cơ chế, khung chính sách về phát triển mô hình này chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, việc đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ cho nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ khép kín còn hạn chế. Chưa phát huy hết các tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ lẻ khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để đổi mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số… vào nuôi trồng sản xuất.
Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Canh cho biết, thời gian gần đây, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm thiểu phát thải nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Mặc dù kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao năng suất lao động, xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng, đến nay mới chỉ là bước đầu được triển khai trên địa bàn huyện nên hiệu quả kinh tế như thế nào chưa thể đánh giá được vào thời điểm này. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông qua các giải pháp như nâng cao công tác tập huấn, học hỏi, tiếp nhận tiến bộ khoa học - công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học...
Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế…, góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Từ đó, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. |
Theo: Báo Nhân Dân