Nam Định kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải
Thứ ba, 30/01/2024
Ô nhiễm môi trường không khí (MTKK) đang là mối bận tâm hàng đầu của không ít tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại một số thành phố đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong cộng đồng.
Ô nhiễm môi trường không khí (MTKK) đang là mối bận tâm hàng đầu của không ít tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại một số thành phố đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong cộng đồng. Mới đây, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục cần xem xét cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học. Trước thực trạng chung này, tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp quản lý, giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm MTKK trên địa bàn.
Nhà máy sản xuất giấy in nhiệt của Công ty TNHH Đầu tư Linh Giang (Nghĩa Hưng) với hệ thống thiết bị máy móc, công nghệ cao góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường không khí.
Theo UBND tỉnh Nam Định, đầu tư của tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng tăng lên. Tỉnh đã bố trí trên 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho công tác BVMT. Việc xã hội hóa công tác BVMT bước đầu được áp dụng đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT từng bước được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; trách nhiệm quản lý Nhà nước về môi trường ở cấp huyện, cấp xã đã được quan tâm. Công tác tuyên truyền, phố biến và giáo dục pháp luật về BVMT được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, nội dung phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong hành động BVMT của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cộng đồng. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang dần đi vào nề nếp, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn thu gom đạt từ 89,8% trở lên; việc triển khai, phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn; tình trạng đốt phế phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch đã giảm đáng kể; các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc đầu tư các công trình xử lý chất thải, hầu hết các cơ sở phát sinh khí thải đều có hệ thống xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Chất thải chăn nuôi đã được quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần tích cực giảm phát thải khí nhà kính. Hoạt động xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông, dân sinh được các sở, ngành chức năng giám sát chặt chẽ các yêu cầu giảm thiểu phát tán bụi, khí thải; kiên quyết xử lý các vi phạm xây dựng mà không che chắn công trình; phương tiện vận chuyển vật liệu, phế thải xây dựng không che đậy gây rơi vãi. Việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân đã được người dân quan tâm; đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến xe buýt đang hoạt động với tổng số 85 xe; hầu hết các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO III.
Đánh giá tác động bởi các nguồn phát thải của địa phương cho thấy, chất lượng MTKK của tỉnh nhìn chung đang ở mức khá tốt. Dù vậy, chất lượng MTKK có sự khác biệt giữa các khu vực trong tỉnh và có biến động theo mùa. Tại vài thời điểm ở một số vị trí, chất lượng không khí có dấu hiệu ô nhiễm bụi. Ở đô thị, một số khu vực gần trục giao thông thành phố Nam Định vào giờ cao điểm có dấu hiệu ô nhiễm bụi mịn PM10, bụi PM2.5. Các khu vực gần trục giao thông có nồng độ các thông số TSP, bụi PM10, bụi PM2.5, SO2, NO2, CO cao hơn so với khu vực dân cư. Ở xung quanh các khu, cụm công nghiệp Hòa Xá, An Xá (thành phố Nam Định), Yên Xá (Ý Yên), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực) có hàm lượng bụi cao hơn các khu vực khác. Môi trường không khí ở các làng nghề cơ khí có nồng độ các thông số SO2, NO2, CO và tiếng ồn cao hơn so với các làng nghề khác.
Hiện nay, thời tiết đang không ngừng biến động bất lợi làm gia tăng nguy cơ khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí từ các nguồn thải của địa phương như khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, hoạt động xây dựng, giao thông, xử lý chất thải... Nguyên nhân này có thể làm suy giảm chất lượng không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh nếu không được quản lý. Mặt khác, Nam Định chịu ảnh hưởng của yếu tố khí tượng gió mùa, gió mùa đông bắc xuất hiện nhiều vào mùa đông, gió mùa đông nam xuất hiện vào mùa hè. Vào các thời điểm chịu ảnh hưởng của gió mùa, có thể mang theo khối không khí ô nhiễm từ các địa phương lân cận ở phía Bắc (Thái Bình), phía Nam (Ninh Bình) và phía Tây Bắc (Hà Nam), làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh từ các nguồn thải ở các vùng lân cận và các nguồn lan truyền tầm xa...
Để hạn chế nguồn thải phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và môi trường sinh sống, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, (nhất là theo Kế hoạch Quản lý chất lượng MTKK tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030), các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng MTKK trên địa bàn tỉnh theo hướng chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải. Cụ thể là ưu tiên kiểm soát tại khu vực thành phố Nam Định, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều khí thải. Kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ; từng bước chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh học, điện cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp thuộc các loại hình sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, tái chế chất thải; đảm bảo 100% cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; 100% cơ sở xả khí thải phải có hệ thống xử lý, đảm bảo khí thải phát sinh được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả thải; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm MTKK nghiêm trọng. Kiểm soát hiệu quả các nguồn khí thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp; hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt đốt phế phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch; 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn có công trình xử lý chất thải đảm bảo quy định; 100% công trình xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp BVMT trong thi công và vận chuyển nguyên vật liệu.
Để nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải đạt kết quả cao, thời gian tới, các ngành, các địa phương sẽ phát huy đồng bộ các giải pháp thiết thực đã áp dụng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật khuyến khích người dân, doanh nghiệp bảo vệ MTKK. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về quản lý chất lượng MTKK. Không ngừng nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo ô nhiễm MTKK. Chú trọng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, thi công, vận tải; chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực, cải tiến đổi mới quy trình, trang thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải đảm bảo không gây ô nhiễm không khí; thường xuyên quan trắc, giám sát khí thải. Tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu, nhiên liệu để tăng cường hiệu quả của các quá trình sản xuất công nghiệp; sử dụng nhiên liệu từ sinh khối, năng lượng tái tạo thay thế cho các dạng năng lượng hóa thạch (than đá, dầu FO...); tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn. Đối với nguồn thải lớn, phải thực hiện đầu tư hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định pháp luật.
Theo: Báo Nam Định