Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh
Thứ năm, 15/02/2024
Sự thay đổi của người sử dụng sang hướng tiêu dùng xanh khiến các nhà sản xuất cũng phải “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới.
Những năm gần đây, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, biến đổi khí hậu được xem là một vấn đề cấp bách toàn cầu, lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại. Sự thay đổi của người sử dụng sang hướng tiêu dùng xanh khiến các nhà sản xuất cũng phải “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới.
Xu hướng tiêu dùng xanh đang góp phần tạo đầu ra cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Theo khảo sát mới đây của Nielsen IQ, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Ngoài ra, kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp có những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường đang gia tăng. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.
Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang góp phần tạo đầu ra cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Giờ đây, sản xuất xanh đóng vai trò quan trọng mang tính tư duy và chiến lược trong mục tiêu phát triển bền vững và cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới của nhiều doanh nghiệp.
Đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu của Colusa - Miliket. Hiện nay, trong tổng lượng hàng hóa của doanh nghiệp, sản phẩm xanh chiếm gần 80%. Các sản phẩm truyền thống như mì gói với bao bì sử dụng chất liệu giấy thân thiện với môi trường và các sản phẩm được ứng dụng công nghệ mới plasma vào quy trình sản xuất để tăng độ khử mùi chua, khử khuẩn trong sản phẩm… giúp nâng chất lượng và tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm được doanh nghiệp liên tục phát triển.
“Các sản phẩm xanh của doanh nghiệp được người tiêu dùng trong nước và các nhà nhập khẩu quan tâm. Tính đến cuối năm 2023, số lượng tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm xanh tăng khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực - Thực phẩm Colusa - Miliket cho biết.
Tại Công ty cổ phần Lương thực - Thực phẩm Colusa - Miliket các sản phẩm truyền thống như mì gói với bao bì sử dụng chất liệu giấy thân thiện với môi trường. (Ảnh: Vnexpress)
Còn tại Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - đơn vị cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 tấn sản phẩm mỗi năm, hầu như tự động hóa tất cả quy trình, hạn chế tối đa nhân công. Đây cũng là một trong những cách "xanh hóa" sản xuất, giảm phát thải.
Bên cạnh đó, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà doanh nghiệp cũng tập trung chọn lựa những nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
"Hàm lượng nguồn gốc tự nhiên lên đến hơn 90% trong bánh xà phòng hoặc với sản phẩm nước giặt chúng tôi cũng đang nghiên cứu nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ dầu cọ, dầu dừa làm nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra nước giặt thân thiện với người sử dụng và đặc biệt khi ra môi trường có thể phân hủy hoàn toàn", ông Lê Việt Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cho biết.
Nhằm thúc đẩy việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp cần tạo ra ý định tiêu dùng xanh từ phía người tiêu dùng Việt Nam - tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (quảng cáo, tuyên truyền) để người tiêu dùng quan tâm hơn về tiêu dùng xanh. Doanh nghiệp phải thông tin chi tiết để người tiêu dùng nhận biết được những lợi ích thiết thực mà sản phẩm có thể mang lại cho cộng đồng, cho môi trường sống.
Bên cạnh đó, tính sẵn có của sản phẩm phải được quan tâm. Doanh nghiệp cần chú trọng đến hoạt động phân phối làm sao để sản phẩm luôn gần gũi, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Mai Anh