Nguồn vốn hỗ trợ dành cho các đề án tuy không nhiều so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp nhưng khuyến công Bắc Giang đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang (TT) triển khai 11 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ cho mỗi đề án không lớn, chỉ vài trăm triệu, thậm chí chỉ mấy chục triệu nhưng hiệu quả lại rất đáng kể, có sức khuyến khích lớn đối với cơ sở công nghiệp nông thôn.
Điển hình, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia TT hỗ trợ công ty cổ phần Cleve (xã Tân Giang, huyện Lạng Giang) xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất gạch không nung. Tổng vốn đầu tư 47,11 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 233 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Dinh - Giám đốc công ty: Sau khi mô hình đạt 100% công suất với 200 triệu viên gạch/năm, doanh nghiệp sẽ đạt doanh thu khoảng 614.584 triệu đồng/năm; tạo 185 việc làm thường xuyên, mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/ tháng. Sản phẩm gạch không nung sử dụng phế thải công nghiệp như mạt đá, tro bay, xỉ than đã góp phần giảm lượng chất thải rắn, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần cơ điện Lục Ngạn thực hiện đề án đầu tư xưởng sản xuất giấm từ quả vải với tổng kinh phí đầu tư 590,5 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng. Mô hình này giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn nguyên liệu vải quả rất dồi dào, đồng thời tạo hướng chế biến mới cho quả vải của Bắc Giang.
TT hỗ trợ Hợp tác xã Bình Minh, huyện Việt Yên đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị trong bảo quản nông sản. Đề án có tổng mức đầu tư 681 triệu đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng, đầu tư hệ thống kho bảo quản lạnh chất lượng cao, nâng năng lực bảo quản của hợp tác xã lên 200 tấn sản phẩm/năm, đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản sau thu hoạch tại địa phương…
Năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang được hỗ trợ trên 3,433 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 933,2 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, trung tâm đã triển khai 34 đề án, các đề án đều được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả như mong muốn.
Hiệu quả từ các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng thiết bị vào sản xuất, năm 2014, TT tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm cho 640 lao động khu vực nông thôn; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn; bình chọn và hỗ trợ phát triển sản xuất cho 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Thực tế, để “nới” tối đa điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công. Mức chi cho các nội dung khuyến công đã được cải thiện: Mô hình trình diễn kỹ thuật có tổng mức chi phí từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng/mô hình; các doanh nghiệp thành lập mới tại các địa bàn khó khăn của tỉnh sẽ được hỗ trợ từ 5 lên 10 triệu đồng; nâng mức hỗ trợ lãi suất tối đa cho cơ sở công nghiệp nông thôn từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/cơ sở…
Năm 2015, khuyến công tỉnh sẽ ưu tiên cho các đề án trong các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: chế biến nông, lâm sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Đồng thời xây dựng lộ trình xử lý các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ trong các cụm công nghiệp, đề xuất chính sách mang tính đặc thù phù hợp với doanh nghiệp trong cụm công nghiệp bị xóa tên khỏi quy hoạch.
Hải Linh