[In trang]
Một số đánh giá về hiện trạng và kiến nghị phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam
Thứ hai, 25/12/2023
Công nghiệp môi trường (CNMT) là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Công nghiệp môi trường (CNMT) là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Nói cách khác, ngành CNMT cung cấp các giải pháp để phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lò đốt chất thải rắn tại Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp 11
Ngành CNMT bao gồm nhiều hoạt động, trong danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 có 12 nhóm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT: 1) Nhóm thiết bị, sản phẩm để xử lý khí thải; 2) Nhóm thiết bị, sản phẩm để xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải; 3) Nhóm thiết bị phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và các thiết bị tái chế chất thải, phế liệu khác; 4) Nhóm thiết bị để phá dỡ phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy hết thời hạn sử dụng; 5) Nhóm thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ hệ thống xử lý chất thải, trạm trung chuyển và công trình bảo vệ môi trường khác; 6) Nhóm thiết bị đo lường, giám sát môi trường; 7) Nhóm thiết bị, sản phẩm phục vụ sản xuất năng lượng từ chất thải; 8) Nhóm hóa chất, chế phẩm sinh học, vật liệu, vật tư thay thế phục vụ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; 9) Nhóm thiết bị, sản phẩm phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học; 10) Nhóm thiết bị, sản phẩm phục vụ khắc phục sự cố môi trường; 11) Nhóm thiết bị, sản phẩm khác phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường; 12) Nhóm công nghệ chế tạo, sản xuất thiết bị, sản phẩm quy định ở trên.
Có những nhóm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT bao gồm nhiều công đoạn với các quy trình, đối tượng thực hiện, thiết bị riêng biệt như: dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý (CTR) sinh hoạt, riêng dịch vụ này thường chia làm hai công đoạn gồm: thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt và tái chế, xử lý CTR sinh hoạt (chỉ tính riêng hoạt động này cũng bao gồm nhiều công nghệ tái chế, xử lý cho hiệu quả khác nhau, từ chôn lấp, làm phân compost, đốt thông thường và đốt phát điện).
Từ đặc điểm trên, sự phát triển của ngành CNMT sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhiều ngành và đòi hỏi cơ quan được giao chủ trì phát triển ngành CNMT phải có chiến lược, kế hoạch, nội dung cụ thể để phát triển ngành CNMT, trong đó phải có các kiến nghị kịp thời với các ngành, địa phương, Chính phủ và Quốc hội nhằm tạo sự thông suốt trong các quy định thúc đẩy năng lực cung ứng, chất lượng sản phẩm CNMT và nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm CNMT trong toàn xã hội.
Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, Công nghiệp môi trường là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hàng hóa môi trường là công nghệ, thiết bị, sản phẩm được sử dụng để bảo vệ môi trường (Khoản 17 Điều 3 Nghị định 08/2022/NĐ-CP); Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng quy định rằng, Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng, như vậy, hàng hóa môi trường bên cạnh các công nghệ, thiết bị, thì bao gồm cả nhóm dịch vụ bảo vệ môi trường (trong đó có các sản phẩm dịch vụ công ích). Từ những viện dẫn trên, có thể thấy rằng, ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam cung cấp hàng hóa môi trường.
Theo thống kê, nghiên cứu tại Hiệp hội CNMT Việt Nam, hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính tổng thể về ngành CNMT; giá trị đóng góp về kinh tế, môi trường và xã hội của nghành CNMT chưa được thống kê cụ thể. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bài viết cung cấp một số thông tin mang tính gợi mở, tổng quan về ngành CNMT Việt Nam như sau:
1. Chính sách phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam
Ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong Nghị quyết Bộ Chính trị nhận định “Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng… tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp…”; để giải quyết các vấn đề về môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị đã đưa ra 07 nhóm giải pháp chính, trong đó có nội dung “hình thành và phát triển ngành CNMT".
Luật BVMT 2005 quy định, hình thành, phát triển ngành CNMT và Nhà nước đầu tư, có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển CNMT. Tuy nhiên, trong Luật BVMT 2005 chưa có khải niệm cụ thể về ngành CNMT.
Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12/06/2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó giao Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển ngành CNMT. Tiếp đó là Quyết định số 1030/QĐ-TTG ngày 20/07/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025", Đề án với mục tiêu tổng quát là “Phát triển ngành CNMT thành một ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường”.
Luật BVMT 2014 đã có khái niệm về ngành CNMT, cụ thể: CNMT là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển CNMT. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phát triển ngành CNMT.
Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2025", theo đó, phát triển ngành CNMT là một nội dung quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...; hướng tới mục tiêu đến năm 2025, ngành CNMT trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.
Luật BVMT 2020 đã có quy định rõ hơn về ngành CNMT, cụ thể: CNMT là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về BVMT; bên cạnh chính sách phát triển CNMT, lộ trình mở cửa thị trường hàng hóa môi trường phù hợp với cam kết quốc tế đã được quy định.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành CNMT; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chỉ tiêu thống kê về ngành CNMT vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mã số định danh đối với hàng hóa môi trường của danh mục thuế quan hài hòa (HS code) để thực hiện lộ trình mở cửa hàng hóa môi trường phù hợp với cam kết quốc tế.
Trong các hoạt động thực hiện Đề án phát triển ngành CNMT Việt Nam đến năm 2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1138/QĐ-BCT ngày 04/05/2019 về việc phê duyệt kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2025, theo đó, các nhiệm vụ trong quyết định đã bám sát các đầu mục công việc được Thủ tướng giao, Bộ Công Thương đã tích cực, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể, giao cho các đơn vị triển khai; các địa phương trên toàn quốc đều ban hành kế hoạch phát triển ngành CNMT.
Thông tư số 04/2022/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 28/01/2022 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về Công Thương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với lĩnh vực CNMT, Sở Công Thương có nhiệm vụ: Xây dựng và trình ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển CNMT và ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành CNMT trường phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện của địa phương; Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển CNMT thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương tại địa phương theo quy định; Chủ trì thực hiện Đề án phát triển CNMT, các nhiệm vụ phát triển CNMT; Thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin về các chỉ tiêu thống kê môi trường thuộc phạm vi ngành công thương; Định kỳ hàng năm tổng kết, báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan tình hình thực hiện phát triển CNMT của địa phương theo quy định.
Có thể nói, đến nay, sau 19 năm Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc hình thành và phát triển ngành CNMT được Nhà nước quan tâm, đầu tư, thể hiện xuyên xuốt và ngày càng cụ thể trong Luật BVMT, bên cạnh đó là các Quyết định của Chính phủ, Bộ/ ngành và địa phương nhằm nhất thể hóa nội dung phát triển ngành CNMT
2. Năng lực cung ứng và và chất lượng sản phẩm Công nghiệp môi trường
Công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT phục vụ yêu cầu về BVMT được sử dụng kết hợp giữa nhập khẩu; lắp ráp, nghiên cứu và chế tạo trong nước, trong đó một số sản phẩm đã xuất khẩu…Năng lực cung ứng của ngành CNMT và chất lượng dịch vụ cung ứng cơ bản đáp ứng các yêu cầu BVMT.
Về hiệu quả BVMT, tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần 5 (2022) đã thông tin một số kết quả về công tác BVMT có liên quan đến năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ ngành CNMT trong giai đoạn 2016 - 2022 như sau: 1) Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn tại Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn; 2) Cung ứng, lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tại nhiều Khu Công nghiệp, tỷ lệ Khu Công nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý triệt để và tỷ lệ xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm đều tăng so với giai đoạn trước; 3) Cung ứng nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa. Tỷ lệ CTRSH được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp; tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH đều tăng so với giai đoạn trước. Đối với một số loại CTR đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai; 4) Chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…) được cải thiện. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây đã được ngăn chặn...; Chất lượng không khí ở một số tỉnh, thành phố đã được cải thiện, mức độ ô nhiễm tại một số thành phố có xu hướng giảm; Chất lượng nước mặt tại các lưu vực sông chính còn tương đối tốt ở khu vực thượng nguồn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều dòng sông trong nội thành, nội thị, mức độ ô nhiễm đã giảm; chất lượng nước ven bờ, nước dưới đất nhìn chung được kiểm soát tốt. Chất lượng nước biển ven bờ của nước ta về cơ bản vẫn còn tốt; Chất lượng môi trường đất được đánh giá còn tương đối tốt và đáp ứng được các mục đích sử dụng khác nhau. Hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại các vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn; 5) Công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đẩy mạnh; đã chủ động kiểm soát được tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Về hiệu quả kinh tế, phát triển ngành CNMT đã thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, từ kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư từ nước ngoài; hoạt động này không chỉ làm tăng năng lực cung ứng của toàn ngành mà còn tăng sự đóng góp về kinh tế đối với Nhà nước từ các đơn vị cung ứng hàng hóa môi trường; chỉ tính riêng trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR sinh hoạt, doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là sự gia tăng các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 1 đến 5 tỷ đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 10 đến 200 tỷ đồng có sự gia tăng mạnh mẽ, đối với doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng có sự gia tăng nhẹ. Phát triển ngành CNMT đã cơ bản giải quyết được nhu cầu BVMT của xã hội, từ đó, tạo môi trường thu hút đầu tư đối với các tập đoàn lớn từ ngoài nước vào Việt Nam và giảm các chi phí để khắc phục về ô nhiễm môi trường.
Về hiệu quả xã hội, phát triển ngành CNMT đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là từ các hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường, trong đó tạo việc làm nhiều nhất là dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR. Người lao động tham gia làm việc trong ngành CNMT ngày càng tăng với thu nhập có sự cải thiện đáng kể, nếu như năm 2009 tổng số lao động làm việc trong hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR sinh hoạt là là 31.738 người, năm 2013 tăng lên 51.480 thì năm 2016 tăng lên 58.610 người; thu nhập bình quân một tháng của người lao động từ 3,229 triệu đồng năm 2010 lên 7,536 triệu đồng trong năm 2017, như vậy thu nhập bình quân một tháng của người lao động đã tăng hơn 2 lần trong vòng 6 năm, mức tăng này tương đương với mức tăng chung của toàn ngành kinh tế. Phát triển ngành CNMT đã cơ bản giải quyết được nhu cầu BVMT của xã hội, tạo môi trường sống trong lành, từ đó làm giảm các bệnh lý nói chung do tác động từ ô nhiễm môi trường; bên cạnh đó còn làm giảm các xung đột xã hội, các xung đột này xuất phát từ việc cộng đồng dân cư bị tác động đến môi trường sống từ các ô nhiễm môi trường trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay chính tại các khu vực xử lý chất thải; tăng cường nhận thức về BVMT nói chung trong cộng đồng dân cư.
3. Một số tồn tại, hạn chế làm giảm năng lực cung ứng và chất lượng sản phẩm Công nghiệp môi trường
Mặc dù năng lực cung ứng của ngành CNMT và chất lượng dịch vụ cung ứng cơ bản đáp ứng các yêu cầu BVMT nhưng đến nay tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%, hầu hết các khu vực dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định, còn nhiều các lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu về môi trường; một số địa phương hiện nay chưa có cơ sở xử lý chất thải nguy hại; tỷ lệ thu gom, xử lý CRT sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; đa dạng sinh học vẫn có xu hướng bị suy giảm, cân bằng sinh thái có nguy cơ bị ảnh hưởng. Những tồn tại, hạn chế nói trên do một số nguyên nhân như sau:
- Nguyên nhân khách quan: Tác động của biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường xuyên biên giới; Hoạt động công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo ra áp lực lớn với nhiều nguồn thải gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động tác động xấu lên môi trường, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm; Thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên và mở rộng diện tích bảo tồn thiên nhiên còn chậm...;
- Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, đúng mức....; Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của một số đơn vị sản xuất còn chưa cao, vẫn còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường; Thiếu nguồn lực đầu tư là thách thức lớn trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, tích tụ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; Chính sách về giá dịch vụ chưa phù hợp với diễn biến của thị trường; Ứng dụng và phát triển kết quả của các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ ngành công nghiệp môi trường chưa cao.
4. Bối cảnh tác động đến sự phát triển của ngành Công nghiệp môi trường
Công nghiệp hóa, đô thị hóa đang phát triển với tốc độ cao, bên cạnh đó, Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, bên cạnh các thuận lợi về phát triển kinh tế, xã hội thì khối lượng chất thải phát sinh lớn với thành phần chất thải khó xử lý ngày càng nhiều; yêu cầu và nhu cầu BVMT ngày càng được quy định chặt chẽ, nâng cao; sản phẩm CNMT được nhập khẩu ngày càng nhiều; xuất hiện nhiều doanh nghiệp CNMT có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô lớn tham gia cung ứng sản phẩm CNMT.
Phát triển bền vững (PTBV) tiếp tục là mục tiêu phát triển trọng tâm của thế giới trong những thập niên tới, chương trình PTBV trên phạm vi thế giới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đến các cam kết, chương trình và mục tiêu thực hiện PTBV trong nước, từ chương trình nghị sự 2030, Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV. Từ đó, đòi hỏi các hoạt động BVMT phải được thực hiện một cách bài bản và hiệu quả, nghĩa là phải thực hiện đồng bộ từ chính sách, nguồn lực tài chính, hạ tầng BVMT và đặc biệt là năng lực cung ứng, chất lượng sản phẩm CNMT phải đáp ứng các nhu cầu BVMT từ xã hội.
Phát triển Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một xu hướng phát triển tất yếu nhằm giảm áp lực tài nguyên, chống biến đổi khí hậu hướng đến PTBV; KTTH hướng đến việc sử dụng tối đa giá trị của các nguồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả quản lý chất thải trên cơ sở tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) diễn ra trên thế giới làm cho xu hướng phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng sâu sắc, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. CMCN 4.0 mở ra cơ hội trong tiếp cận và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và công nghệ giám sát môi trường hiện đại, tự động, liên tục. Phát triển kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ hỗ trợ quản lý và cập nhật dữ liệu thông tin về môi trường; phát triển, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến trong quản lý môi trường. CMCN 4.0 là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản trị doanh nghiệp CNMT nói chung, tuy nhiên, việc ứng dụng này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động về vốn đầu tư và có kế hoạch đào tạo người lao động thích ứng với công nghệ, sản phẩm kỹ thuật số trong CMCN 4.0
Từ những bối cảnh nói trên đòi hỏi phải mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm CNMT, chất lượng sản phẩm CNMT đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về BVMT của toàn xã hội; đòi hỏi Chính sách pháp luật của Nhà nước quy định về BVMT ngày càng hoàn thiện, chính sách phát triển CNMT đảm bảo thông suốt, phù hợp với thực tiễn.
5. Một số kiến nghị phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các quy định trong Luật BVMT 2020, Quyết định số 192/QĐ-TTg, Quyết định số 1138/QĐ-BCT, để phù hợp với hiện trạng và bối cảnh phát triển ngành CNMT, tác giả bài viết có một số kiến nghị như sau:
- Kiến nghị Quốc hội bổ sung các sản phẩm được hình thành trong quá trình tái chế, xử lý chất thải vào danh mục các hàng hoá, dịch vụ được tính ở mức thuế suất 0% - 5%. Kiến nghị này là phù hợp với định hướng về việc áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường để tái chế, xử lý chất thải, điều này không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp mà còn đóng góp kinh tế vào ngân sách Nhà nước.
- Kiến nghị Chính phủ: 1) Đối với chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân phát triển nguồn cung ứng sản phẩm CNMT, kiến nghị Chính phủ ban hành quy định để thống nhất, đồng bộ cơ chế huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và có văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể; 2) Công nhận ngày CNMT Việt Nam nhằm ghi nhận sự đóng góp của ngành CNMT và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; 3) Bổ sung các sản phẩm CNMT phù hợp với từng nhóm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT.
- Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thí điểm ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải theo loại hình công nghệ được áp dụng tại Việt Nam làm cơ sở áp dụng chung cho các địa phương trên toàn quốc.
- Kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành CNMT.
- Kiến nghị Bộ Tài Chính sớm có quy định mã số định danh đối với hàng hóa môi trường của danh mục thuế quan hài hòa (HS code);
- Kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chỉ tiêu thống kê về ngành CNMT vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
- Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm triển khai chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường".
- Kiến nghị các địa phương: rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định về quản lý chất thải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Kiến nghị các doanh nghiệp cung ứng công nghệ, thiết bị, sản phẩm CNMT cần tự chủ, liên danh, liên kết để tăng cường năng lực về vốn, khoa học - công nghệ, tiếp cận thị trường, mở rộng phạm vi hoạt động, một mặt nâng cao năng lực và quy mô nguồn cung của thị trường, mặt khác tăng cường năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động và dần gia nhập vào dịch vụ tái chế, xử lý chất thải.
Theo: Môi trường và Đô thị