Xác định mục tiêu đầu tư trọng điểm vào công nghiệp sản xuất điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) xây dựng một đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận nhiệm vụ dịch vụ kỹ thuật điện lực. Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí (PVPS) ra đời và nhanh chóng trưởng thành hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp và hiệu quả.
Vận hành, bảo dưỡng hiệu quả
Hiện nay các nhà máy điện của PV Power đã tham gia thị trường điện cạnh tranh. Công tác bảo trì sửa chữa nhà máy điện nhằm đảm bảo nhà máy vận hành an toàn tin cậy đáp ứng nhu cầu lưới điện quốc gia đang ngày càng quan trọng. Chất lượng công tác bảo trì sửa chữa là một yếu tố quyết định trong cạnh tranh thị trường điện bởi con người, tiến độ và các phương án hợp lý hóa chi phí.
Hai hoạt động chính mà PVPS đang đảm trách là bảo trì thường xuyên, xử lý sự cố và sửa chữa định kỳ nhà máy điện. Được sự quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Power giao cho PVPS đảm trách công tác bảo dưỡng sửa chữa với vai trò tổng thầu. Trong công tác sửa chữa lớn đối với các tổ máy của Nhà máy Điện (NMĐ) Nhơn Trạch1 (công nghệ hãng Alstom - Pháp), các tổ máy của NMĐ Cà Mau và Nhơn Trạch 2 (Công nghệ Siemens - Đức), PVPS tự thực hiện các thiết bị như lò thu hồi nhiệt và tất cả các thiết bị phụ trợ, PVPS tự thực hiện. Còn các phần việc cho các tổ máy chính như turbine khí, turbine hơi, máy phát PVPS kết hợp với chuyên gia OEM giám sát và cùng triển khai.
Trong các 5 năm qua, các chỉ tiêu sản lượng đóng góp vào lưới điện quốc gia đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, năm 2010, sản lượng điện đạt 12,69 tỉ kWh điện, năm 2012, sản lượng điện đạt 15,27 tỉ kWh, năm 2013 là 16 tỉ kWh điện. Các NMĐ Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Nậm Cắt, Phú Quý luôn vận hành an toàn, ổn định; Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã đưa vào vận hành phát điện trong quý I/2013. Tính đến hết tháng 12/2014, tổng sản lượng điện lũy kế của PV Power dự kiến đạt khoảng 90 tỉ kWh điện. Thành công của PV Power đã có sự đóng góp một phần của chất lượng bảo trì sửa chữa do PVPS thực hiện.
Hiện tại PVPS chủ yếu tập trung thực hiện bảo dưỡng các NMĐ Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Nhà máy điện Cà Mau 1&2. PVPS đang thực hiện nhờ áp dụng các biện pháp bảo trì chẩn đoán, bảo trì phòng ngừa tốt mà tỷ lệ hư hỏng bất thường thiết bị hay sự cố xảy ra thấp và giảm dần theo từng năm so với lúc ban đầu đưa vào vận hành. Hiện tại chỉ còn vấn đề xung động buồng đốt của Tổ máy GT21-NMĐ Cà Mau 2 là thường xuyên xảy ra, các kỹ sư của PVPS đang phân tích nguyên nhân và kết hợp với chuyên gia để xử lý trong đợt ngừng máy vào tháng 5-2015. Ngoài ra mức độ ăn mòn gỉ sét thiết bị tại NMĐ Cà Mau 1&2 được đánh giá nghiêm trọng do tháp làm mát đặt sát các thiết bị của nhà máy, thổi trực tiếp hơi muối vào các thiết bị, mặc dù PVPS đã áp dụng khá nhiều các giải pháp, tuy nhiên hằng năm PVPS vẫn phải tốn khá nhiều nhân công trong công tác phòng chống ăn mòn.
Con người là yếu tố quyết định
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV Power về nỗ lực nâng cao trình độ nội địa trong công tác dịch vụ kỹ thuật cao, PVPS đã tự thực hiện bảo trì thường xuyên - xử lý sự cố bằng nhân công trong nước. Đối với PVPS, con người là yếu tố quyết định mọi thành công.
Song song với duy trì khuyến khích công tác tự đào tạo trong thời gian qua, PVPS đã xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực theo từng giai đoạn cho từng ngành nghề. Định hướng đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực theo lộ trình thay thế các chuyên gia nước ngoài. Xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài vào đúng vị trí để có thể cống hiến ở mức cao nhất. Tạo ra môi trường làm việc có văn hóa, công bằng, khoa học, kỷ luật, chuyên nghiệp để người lao động yên tâm làm việc và phát huy sáng tạo. Để nâng cao năng lực CBCNV, hằng năm PVPS tổ chức cho trên 140 lượt cán bộ, kỹ sư tham gia các lớp học nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức mới nhất của công nghiệp sản xuất điện.
Bên cạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nội tại, PVPS đang tổ chức đào tạo vận hành và giám sát vận hành các nhà máy nhiệt điện lớn. Vừa qua PVPS còn thực hiện công tác đào tạo cho các học viên chuẩn bị cho các dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Các chuyên môn đào tạo sâu đặc trưng của ngành điện như lĩnh vực cơ khí, điện, C&I (tự động hóa). Nội dung đào tạo của PVPS bám sát thực tế thực hiện trong quá trình sửa chữa, cung cấp các kỹ năng sát cần thiết cho công việc như đọc các bản vẽ, sơ đồ công nghệ, lập kế hoạch, lập phạm vi công việc, phương án sửa chữa, hướng dẫn cụ thể thực hành bảo dưỡng trên bị trong các đợt sửa chữa định kỳ tại các nhà máy…
Mặt khác, trong lĩnh vực sửa chữa, chế tạo tại các NMĐ của PVPS thì máy công cụ được trang bị cho các workshop (xưởng sửa chữa) tại các nhà máy điện chỉ ở mức độ tối thiểu. Vì vậy trong thời gian qua công ty thực hiện sửa chữa phục hồi các thiết bị phụ trợ đơn giản như phụ tùng bơm van bằng các phương pháp hàn đắp, tiện, rà nhằm đáp ứng nhanh để đưa thiết bị, hệ thống vận hành trở lại trong khi chờ chủ đầu tư đặt hàng phụ tùng chính hãng. Việc đầu tư công nghệ sản xuất phụ tùng thay thế phụ tùng OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) cần phải liên danh liên kết để chuyển giao công nghệ và phải đầu tư máy móc với một khoảng chi phí khá lớn. Hơn nữa hợp đồng hiện tại của PVPS với các NMĐ chỉ là hợp đồng nhân công, nếu hợp đồng là chọn gói bao gồm cả vật tư lẫn nhân công thì sẽ dễ dàng hơn trong việc đầu tư trang thiết bị để sản xuất phụ tùng thay thế.
Ông Đỗ Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính PVPS cho biết thêm, từ những con người năng động, chuyên môn cao, vững tay nghề, năm 2014, PVPS đã có hàng loạt sáng tạo, cải tiến kỹ thuật gì trong công tác bảo trì, bảo dưỡng và vận hành NMĐ. Lãnh đạo PVPS rất quan tâm đến công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, một số sáng kiến đã được đưa vào áp dụng tại các lĩnh vực như giải pháp tiết kiệm nhân công trong bảo trì sửa chữa, gia công dụng cụ để tiết kiệm chi phí mua mới, cải tiến, phục hồi, sửa chữa một số vật tư thiết bị. Hơn thế nữa, các chuyên gia của PVPS đã đưa ra một số sáng kiến thay đổi thiết kế để tăng độ khả dụng của tổ máy nhiệt điện phù hợp với các nhà máy Việt Nam. Áp dụng vào thực tế, các sáng kiến này đã đem lại hiệu quả rất tốt đối với công tác vận hành các nhà máy nhiệt điện turbine khí và than.
Qua 5 năm xây dựng và trưởng thành, PVPS đã chuyên môn hóa cao các công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành các NMĐ trong và ngoài ngành Dầu khí. Trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang đầu tư thêm 5 nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam thì mục tiêu doanh thu giai đoạn 2010-2015 của PVPS (100 triệu USD/năm) rất có thể thành hiện thực.
Công Kiên